Chủ đề Đại hội XIII của Đảng là: “Tăng cường xây dựng,
chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng
phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với
sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây
dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu
đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội
chủ nghĩa”. So với chủ đề Đại hội XII, chủ đề Đại hội XIII có nhiều điểm mới, cụ
thể là:
Thứ nhất, bổ
sung “chỉnh đốn” và “hệ thống chính trị” vào nội dung “tăng
cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” để thành “Tăng cường xây dựng
chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.
Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, năng lực lãnh đạo và sức
chiến đấu của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam 90
năm qua, tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta
trong 35 năm đổi mới vừa qua và cũng sẽ là yếu tố quyết định thắng lợi của sự
nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của đất nước
ta, nhân ta ta trong những năm tới. Tới đây, trong bối cảnh tình hình thế giới
diễn biến nhanh chóng, phức tạp, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
của nước ta đứng trước nhiều thời cơ và khó khăn, thách thức to lớn, đặt ra nhiều
vấn đề mới đòi hỏi Đảng phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến
đấu của mình. Bởi vậy, trong tiêu đề Báo cáo chính trị Đại hội X và Đại hội XI
của Đảng đều có nội dung “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của
Đảng”. Nhưng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng lại phụ thuộc vào
chất lượng các tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng;
trong đó, đặc biệt là phụ thuộc vào sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức Đảng,
của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, phát triển kinh
tế thị trường, hội nhập quốc tế, trong những năm gần đây, có một bộ phận cán bộ,
đảng viên bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” dẫn đến quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vi phạm quyền làm chủ
của nhân dân... làm ảnh hưởng xấu đến sự ổn định, phát triển đất nước, uy tín của
Đảng, Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Do đó, công tác xây dựng Đảng
trong sạch, vững mạnh được Đảng hết sức quan tâm trong những năm gần đây, đặc
biệt được đẩy mạnh trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.
Tiêu đề Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng được mở
đầu với nội dung “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”. Thực tiễn
công tác xây dựng Đảng cho thấy trong bối cảnh có sự suy thoái của một bộ phận
không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay, để xây dựng Đảng phải có chỉnh đốn, phải
chỉnh đốn thì mới xây dựng được Đảng trong sạch, vững mạnh. Hội nghị Trung ương
bốn khóa XII đã ra Nghị quyết chuyên đề “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng;
ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những
biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Do đó, cần phải bổ
sung “chỉnh đốn” vào nội dung “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” trong tiêu
đề Báo cáo chính trị Đại hội XIII.
Đồng thời, trong bối cảnh Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo
tổ chức và hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị -
xã hội, của cả hệ thống chính trị. Sự trong sạch, vững mạnh của Đảng gắn liền với
sự trong sạch, vững mạnh của cả hệ thống chính trị. Năng lực lãnh đạo, sức chiến
đấu của Đảng gắn liền với hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng,
hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Bởi
vậy, bổ sung “hệ thống chính trị” vào “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn
Đảng trong sạch, vững mạnh” để thành “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng
và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” là đúng đắn và cần thiết.
Thứ hai, bổ
sung “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí”, và “kết
hợp với sức mạnh của thời đại” vào nội dung “phát huy sức mạnh đại đoàn kết
toàn dân tộc” để trở thành “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát
huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại...”.
Cùng với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, trong mọi giai
đoạn cách mạng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn luôn là nguồn sức mạnh to lớn
để đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được những thắng lợi vẻ
vang. Bởi vậy, “phát huy sức mạnh toàn dân tộc” luôn là một nội dung quan trọng
trong đường lối của Đảng, được nêu trong tiêu đề Báo cáo chính trị của nhiều Đại
hội Đảng (trong tiêu đề Báo cáo chính trị Đại hội XI, XII đều có nội dung này).
Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đưa nội dung “phát huy sức mạnh
toàn dân tộc” vào tiêu đề của Báo cáo.
Việc kết hợp nội lực và ngoại lực, trong đó nội lực là
quyết định, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại là một quan điểm
lớn, nội dung lớn trong đường lối cách mạng, phát triển đất nước của Đảng. Từ
lâu, nội dung này đã được nêu trong nhiều văn kiện của Đảng; tuy nhiên, còn
chưa được nêu trong tiêu đề Báo cáo chính trị của các đại hội toàn quốc của Đảng.
Ngày nay, trong thời đại toàn cầu hóa, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi
quốc gia; nước ta đã hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, toàn diện, ảnh hưởng
và tác động quốc tế đối với nước ta ngày càng lớn, nhanh chóng và trực tiếp. Xu
thế của thời đại, luật pháp, các quan hệ quốc tế, sự hợp tác, ủng hộ của các nước,
cộng đồng quốc tế là nguồn sức mạnh to lớn để đất nước ta nắm bắt thời cơ, vượt
qua khó khăn, thách thức giữ vững độc lập, chủ quyền, môi trường hòa bình ổn định,
phát triển nhanh, bền vững. Do đó, việc đưa nội dung “phát huy sức mạnh đại
đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại” vào tiêu đề Báo cáo
chính trị Đại hội XIII là cần thiết, đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng.
Thực tiễn lịch sử thế giới, cũng như mấy nghìn năm dựng
nước và giữ nước của dân tộc ta, đất nước ta đã cho thấy tinh thần, ý chí, khát
vọng của một dân tộc là một sức mạnh to lớn. Chính ý chí, khát vọng cháy bỏng
phải giành, bảo vệ cho được độc lập, tự do, thống nhất đất nước đã tạo nên sức
mạnh thần kỳ để nước ta, một nước nghèo, kinh tế kém phát triển đã đánh thắng
những kẻ thù hùng mạnh của thời đại. Ngày nay, bên cạnh những khó khăn, thách
thức, đất nước ta có những thuận lợi, cơ hội to lớn để phát triển, chúng ta rất
cần phải phát huy mạnh mẽ ý chí, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh
trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để tạo nên động lực mạnh mẽ, sức mạnh to lớn
đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nắm bắt, tận dụng tốt mọi thuận
lợi, thời cơ, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Đây là yêu cầu, là lời hiệu
triệu của Đảng, của đất nước đối với mỗi người Việt Nam yêu nước.
Thứ ba, xác
định mục tiêu “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát
triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Thành tố cuối cùng trong tiêu đề Báo cáo chính trị tại
các đại hội Đảng ở nhiều nhiệm kỳ đều là mục tiêu phát triển đất nước, như,
trong tiêu đề Báo cáo chính trị của Đại hội XI của Đảng có mục tiêu “tạo nền
tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện
đại”, của Đại hội XII có mục tiêu “phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước
công nghiệp theo hướng hiện đại”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đề ra mục tiêu đến
giữa thế kỷ XXI “phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp
hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Theo truyền thống ấy, thành tố cuối
trong tiêu đề Báo cáo chính trị Đại hội XIII là mục tiêu “phấn đấu đến giữa thế
kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”;
trong đó nội dung “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” đã được khẳng định trong
nhiều văn kiện của Đảng; điểm mới là “nước ta trở thành nước phát triển”.
Trong nhiều năm qua, trong các văn kiện của Đảng đều
xác định mục tiêu phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng
hiện đại và trở thành nước công nghiệp hiện đại vào giữa thế kỷ XXI. Đây là
quan điểm đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng định hướng cho công cuộc công nghiệp
hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, cho đến
nay, việc xây dựng các tiêu chí để xác định thế nào là nước công nghiệp, nước
công nghiệp theo hướng hiện đại và nước công nghiệp hiện đại vẫn còn nhiều ý kiến
khác nhau. Trong khi đó, trên thế giới hiện nay, ngoài Tổ chức Công nghiệp của
Liên hợp quốc (UNIDO) có phân chia các nước thành nước đã công nghiệp hóa, nước
công nghiệp hóa, còn hầu hết các nước, các tổ chức quốc tế không sử dụng cách
phân loại này. Các nước, các tổ chức quốc tế (như Liên hợp quốc, Ngân hàng thế
giới, Quỹ tiền tệ quốc tế...) đều đánh giá, phân loại các nước thành: (1) nước
phát triển, nước đang phát triển, nước kém phát triển, hay (2) nước có thu nhập
cao, nước có thu nhập trung bình cao, nước có thu nhập trung bình thấp và nước
có thu nhập thấp. Hai cách phân loại này đều dựa vào tiêu chí chính là thu nhập
kết quả đầu người. Tuy không phân loại các nước thành nước đã công nghiệp hóa
hay chưa công nghiệp hóa, những nước phát triển, như các nước G7, G20, đồng thời,
cũng được xác định là những nước đã công nghiệp hóa, nước công nghiệp mới nổi.
Nước ta đã hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, việc xác định mục tiêu phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI sử dụng cách phân loại nước theo thông lệ quốc tế là cần thiết để thuận lợi cho việc phân tích, đánh giá và so sánh quốc tế. Trong nhiều văn kiện của Đảng, Nhà nước ta những năm vừa qua đã xác nhận nước ta là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp theo như đánh giá của các tổ chức kinh tế quốc tế.
Đảng ta luôn đổi mới để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ
Trả lờiXóaBạn nói rất đúng
Xóa