Bầu cử là việc công dân của một quốc gia lựa
chọn những người đại diện để trao quyền cho họ thay mặt mình quyết định
các vấn đề trọng đại của đất nước. Mỗi quốc gia có cách tổ chức và quy
định bầu cử khác nhau, không thể lấy mô hình của nước này áp đặt lên nước khác
được bởi vì hệ thống chính trị nói chung, hệ thống bầu cử nói riêng trên thế giới
hiện rất đa dạng, cho nên tùy thuộc vào chế độ chính trị, lịch sử, kinh tế, văn
hóa của quốc gia - dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại như thế nào. Về mô
hình bầu cử các nước cũng khác nhau: mô hình bầu cử ở các quốc gia theo chế độ
đa đảng (lấy việc bầu cho đại diện của mỗi đảng làm tiêu chí) khác với các quốc
gia bầu cử theo tỷ lệ cử tri và theo địa bàn hành chính; mô hình bầu cử trực tiếp
khác với mô hình bầu cử gián tiếp - thông qua đại cử tri… Song về tổng
quan luật bầu cử một số nước trên thế giới hiện nay là theo nguyên tắc: “phổ
thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”.
Ở Việt Nam, Hiến pháp và Luật Bầu cử Việt
Nam quy định: cử tri bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp theo bốn nguyên tắc: phổ
thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những quy định của pháp luật
bầu cử ở Việt Nam thể hiện một cách nhất quán nhận thức về các nguyên tắc bầu cử
để đảm bảo ý chí của nhân dân, phù hợp với xu hướng tiến bộ xã hội, phù hợp với
Tuyên ngôn nhân quyền mà Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1948 đã nêu
rõ: “Ý chí của nhân dân phải là cơ sở của quyền lực nhà nước. Ý chí này thể hiện
qua các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực, theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu,
bình đẳng và bỏ phiếu kín hoặc bằng những tiến trình bầu cử tự do tương đương”.
Về nguyên tắc phổ thông: pháp luật bầu cử
của các nước đều khẳng định, nguyên tắc phổ thông đầu phiếu là một trong những
nguyên tắc cơ bản của chế độ bầu cử. Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu trong bầu cử
bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội,
tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, (trừ những
người mất trí hay những người bị tước quyền bầu cử trên cơ sở của pháp luật), đến
tuổi trưởng thành đều được trao quyền bầu cử. Yêu cầu của nguyên tắc này là Nhà
nước phải bảo đảm để cuộc bầu cử thực sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị
rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình,
bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân
dân trong bầu cử. Đối với Việt Nam, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu
HĐND quy định đối với việc bầu cử đại biểu Quốc hội: (1) Ngày bầu cử phải là
ngày chủ nhật, được Quốc hội ấn định và công bố chậm nhất là 115 ngày trước
ngày diễn ra bầu cử; (2) Các tổ chức phụ trách bầu cử được thành lập công khai,
có sự tham gia của đại diện các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và đoàn thể
nhân dân; (3) Thời gian bỏ phiếu được quy định thống nhất trong cả nước từ 7 giờ
sáng đến 7 giờ tối (trừ những trường hợp đặc biệt theo quy định của Luật); (4)
Mọi công dân cư trú thường xuyên hoặc tạm trú đều được ghi tên vào danh sách cử
tri; (5) Danh sách cử tri được niêm yết công khai chậm nhất là 40 ngày trước
ngày diễn ra bầu cử; (6) Danh sách ứng cử viên cũng được lập và niêm yết công
khai chậm nhất là 20 ngày trước ngày diễn ra bầu cử để cử tri tìm hiểu và lựa
chọn.
Về nguyên tắc bình đẳng: Bình đẳng
trong bầu cử là nguyên tắc nhằm bảo đảm để mọi công dân đều có cơ hội ngang
nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào. Mỗi
cử tri có một phiếu bầu đối với một cuộc bầu cử và giá trị phiếu bầu như nhau
không phụ thuộc vào giới tính, địa vị xã hội, sắc tộc, tôn giáo,... Nguyên tắc
này được thể hiện trong các quy định của pháp luật về quyền bầu cử và ứng cử của
công dân. Mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở một nơi cư trú; mỗi
ứng cử viên chỉ được ghi tên ứng cử ở một đơn vị bầu cử; mỗi cử tri chỉ được bỏ
một phiếu bầu. Nguyên tắc bình đẳng còn đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý cơ cấu,
thành phần, số lượng đại biểu để bảo đảm tiếng nói đại diện của các vùng, miền,
địa phương, các tầng lớp xã hội, các dân tộc thiểu số và phụ nữ phải có tỷ lệ đại
biểu phù hợp.
Về nguyên tắc trực tiếp: Bầu cử trực tiếp
có nghĩa là cử tri trực tiếp thể hiện ý chí của mình qua lá phiếu, cử tri trực
tiếp bầu ra đại biểu của mình chứ không qua một cấp đại diện cử tri nào.Nguyên
tắc bầu cử trực tiếp đòi hỏi cử tri không được nhờ người bầu hộ, bầu thay hoặc
bầu bằng cách gửi thư. Cử tri tự bỏ lá phiếu bầu vào hòm phiếu. Trường hợp cử
tri không thể tự viết phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình
bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri; nếu cử tri vì
tàn tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.Trường
hợp cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu
cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến nơi ở của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu
và thực hiện các thủ tục bỏ phiếu.
Về nguyên tắc bỏ phiếu kín: thể hiện ở
việc loại trừ sự theo dõi và kiểm soát từ bên ngoài đối với việc thể hiện ý chí
(sự bỏ phiếu) của cử tri. Mục đích của nguyên tắc này là nhằm đảm bảo tự do đầy
đủ sự thể hiện ý chí của cử tri.Để bảo đảm khách quan trong việc lựa chọn của cử
tri, các nước thường quy định việc bỏ phiếu kín và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội,
đại biểu HĐND nước ta quy định việc bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành bằng
cách bỏ phiếu kín. Theo nguyên tắc này, cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo
đảm bí mật. Khi cử tri viết phiếu bầu không ai được đến gần, kể cả cán bộ, nhân
viên các tổ chức phụ trách bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết
phiếu bầu của cử tri. Cử tri viết phiếu bầu trong buồng kín và bỏ phiếu vào hòm
phiếu.
Bốn nguyên tắc nói trên là một chỉnh thể,
thiếu sót ở nguyên tắc nào cũng ảnh hưởng đến nguyên tắc khác. Để buộc các chủ
thể phải tuân thủ các nguyên tắc nói trên, Nhà nước pháp điển hóa các nội dung
của chúng thành các quy phạm pháp luật. Theo chiều hướng của sự phát triển xã hội
ngày càng mở rộng dân chủ, thì các hình thức biểu hiện của các nguyên tắc bầu cử
trên đây càng đa dạng, càng phong phú, càng góp phần đảm bảo tính chất dân chủ
của các cuộc bầu cử. Việc thực hiện bốn nguyên tắc bầu cử nói trên là một nét
ưu việt của chế độ dân chủ trong bầu cử và là thước đo trình độ dân chủ của đất
nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, quy tụ sức mạnh của quần chúng nhân dân, phát
huy cao nhất quyền làm chủ của mỗi công dân; đồng thời, trao đổi để đi đến một
cơ cấu đại biểu hợp lý đảm bảo cho các thành phần xã hội đều có đại diện trong
Quốc hội mới.
Quốc hội Việt Nam là cơ quan quyền lực Nhà
nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, có chức năng lập pháp,
quyết định những chủ trương, chính sách quan trọng của đất nước về đối nội, đối
ngoại và giám sát tối cao hoạt động của bộ máy Nhà nước. Trong bối cảnh toàn Đảng,
toàn dân và toàn quân ta đang nỗ lực đoàn kết hướng đến Đại hội lần thứ XIII của
Đảng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
sắp tới như ngày hội của toàn dân với tinh thần phấn khởi, tự hào để thông qua
lá phiếu có trách nhiệm của mình lựa chọn những đại biểu thực sự có đức, có tài
đại diện cho lợi ích, ý chí, nguyện vọng của nhân dân xứng đáng là nơi gửi gắm
niềm tin của cử tri cả nước vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh”. Thực hiện thành công cuộc bầu cử sẽ thiết thực góp phần
xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do
nhân dân, vì nhân dân; đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng,
Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những
người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền
làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới là nhiệm vụ hết
sức quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Do vậy, những luận điệu
của các thế lực thù địch, phản động cho rằng: “Việc bầu cử Quốc hội và HĐND chỉ
là nghĩa vụ chứ không phải là quyền lợi, dân chủ, đều là sự sắp đặt nhân sự có
chủ ý, nhân dân không có quyền thực sự”... là hoàn toàn xuyên tạc sai sự thật,
nhằm tuyên truyền chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam trước thềm
Đại hội Đảng lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội và HĐNDcác cấp nhiệm kỳ 2021-2026,
nhằm gây nhũng loạn thông tin, mâu thuẫn nội bộ mà thôi./.
Bài viết rất có ý nghĩa
Trả lờiXóaMỗi người dân cần có nhận thức đúng đắn, có nhãn quan chính trị và tỉnh táo tránh bị kẻ xấu lợi dụng để chống phá đất nước
Trả lờiXóa