Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

CẢNH GIÁC VỚI THÔNG TIN XẤU ĐỘC VỀ DÂN CHỦ

Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân là mục tiêu của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Điều đó được thể hiện rõ nét trong công tác chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Vì vậy, không thể xuyên tạc việc thực hiện dân chủ của Đảng và càng không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại hội XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, chỉ ra định hướng phát triển trong tương lai của quốc gia, dân tộc những năm tới. Trước những thành công rực rỡ của Việt Nam, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị lại càng tìm cách tuyên truyền nhiều thông tin xấu độc để chống phá Đảng và cách mạng nước ta.

Đặc biệt, chúng tập trung bóp méo, xuyên tạc những vấn đề về thực hiện dân chủ liên quan đến văn kiện Đại hội XIII. Chúng cho rằng, ở Việt Nam không có dân chủ, bởi “chưa có một cuộc thăm dò chính thức nào về sự tín nhiệm của người dân đối với chính phủ hay đảng cầm quyền do các tổ chức độc lập làm”(!); “người dân Việt Nam chưa bao giờ được hỏi ý kiến là họ muốn gì, muốn Đảng Cộng sản lãnh đạo hay không”(!)… và theo chúng, Việt Nam cần có những cuộc thăm dò ý dân và cần có nhiều Đảng mới có dân chủ.

Ngoài ra, các quan điểm sai trái, thù địch cho rằng, Việt Nam đang trẻ hóa bộ máy cán bộ trong hệ thống chính trị, nhưng sự trẻ hóa này là “có chỉ đạo” và lớp cán bộ trẻ này thiếu kỹ năng, khó đủ tầm để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng (!). Vì vậy, theo họ những người đấu tranh cho dân chủ Việt Nam nên tiến hành thành lập những đảng phái chính trị cho Việt Nam và yêu cầu thành lập xã hội dân sự. Chính đảng đó tạo điều kiện cho người dân thể hiện các bức xúc xã hội qua các tổ chức công đoàn độc lập cũng như các tổ chức xã hội dân sự.

Nhìn chung, các thông tin xấu độc của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị đều xoay quanh vấn đề Việt Nam đang thiếu dân chủ và điều này là do chỉ có một đảng lãnh đạo. Thực chất, mục tiêu cuối cùng của chúng vẫn là phủ nhận và xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Dễ ràng nhận thấy rằng, tất cả những giọng điệu xuyên tạc nêu trên đều thiếu căn cứ và là sự vu khống trắng trợn về việc thực hiện dân chủ ở Việt Nam, nhất là ở Đại hội XIII.

Một là, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân vào dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là một cuộc vận động dân chủ sâu rộng, thiết thực và đạt hiệu quả rất cao. Từ Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa XII) năm 2018, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập các tiểu ban văn kiện, nhân sự. Ban Bí thư cũng thành lập ban biên tập và các tiểu ban giúp việc. Công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội diễn ra trong hơn 2 năm, trải qua nhiều vòng, nhiều lần có sự đổi mới về phương pháp, luôn gắn lý luận với thực tiễn trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi nhằm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân. Đã tổ chức hơn 60 cuộc hội thảo, thành lập 50 đoàn đi nắm tình hình thực tế trong và ngoài nước để học tập mô hình, kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, các văn kiện được sửa đi sửa lại 80 lần với hơn 30 lần dự thảo và được đăng toàn văn trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân góp ý. Bản tổng hợp góp ý của Nhân dân dày hơn 1.400 trang gửi về ban biên tập. Điều đó cho thấy, chưa bao giờ văn kiện được chuẩn bị sớm, kỹ lưỡng và dân chủ như thế. Do vậy, không thể vu khống rằng Đảng không thăm dò ý kiến của dân và thiếu dân chủ trong lãnh đạo.

Hai là, tại Đại hội XIII, công tác nhân sự, lựa chọn cán bộ được tiến hành một cách thực sự dân chủ, cẩn trọng. Do đó, chưa có kỳ Đại hội nào mà công tác nhân sự nhận được sự thống nhất cao như tại Đại hội XIII. Đại hội chỉ bầu một lần là đủ số người cần bầu với số phiếu tập trung cao. Đây là kết quả của sự chuẩn bị nhân sự kỹ lưỡng, chặt chẽ và dân chủ. Từ hơn 700 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và hơn 2.800 cán bộ được quy hoạch các chức danh lãnh đạo thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý để phát hiện 283 cán bộ, qua thẩm tra của 10 cơ quan chức năng, Bộ Chính trị đã phê duyệt 227 đồng chí cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn để giới thiệu ra Đại hội.

Với các chức danh Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng được tiến hành theo một quy trình hết sức chặt chẽ. Từ 171 đồng chí được giới thiệu, qua 5 bước sàng lọc, Bộ Chính trị đã phê duyệt 27 đồng chí cơ bản đủ điều kiện tiêu chuẩn vào quy hoạch. Bên cạnh đó, tại các Hội nghị Trung ương 13, 14, 15 (khoá XII), Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét thận trọng và thống nhất cao về danh sách giới thiệu ra Đại hội. Các đồng chí tái cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã được tiến hành theo quy trình 2 vòng, 6 bước. Với các đồng chí lần đầu được giới thiệu, theo quy trình 2 vòng, 8 bước. Nhân sự Bộ Chính trị khóa XII tái cử được tiến hành theo quy trình 3 bước và nhân sự lần đầu vào Bộ Chính trị được tiến hành 4 bước.

Với quy trình cán bộ cấp chiến lược tại Đại hội XIII như trên cho thấy, công tác nhân sự được chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành từng bước, từng việc thận trọng, kỹ lưỡng và bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, khoa học nhất từ trước tới nay, không có tình trạng lựa chọn người nhà, người cùng phe cánh, mất dân chủ trong công tác cán bộ như giọng điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống đối.

Phải khẳng định rằng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân là mục tiêu của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Điều đó được thể hiện rất rõ trong công tác chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Vì vậy, không thể xuyên tạc việc thực hiện dân chủ của Đảng và càng không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

2 nhận xét:

  1. Hiện nay, các thế lực thù địch không từ một thủ đoạn nào để chống phá sự nghiệp cách mạng, chống phá Đảng, chống phá chế độ ta; dã tâm của họ là không thay đổi. Do đó, cần nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của chúng để phòng ngừa.

    Trả lờiXóa
  2. Lợi ích quốc gia là trên hết; những kẻ nào có ý định chống phá Đảng, chống phá Nhà nước hãy thức tỉnh nếu không sẽ bị nghiêm trị.

    Trả lờiXóa