Đại biểu Quốc hội là đại biểu của nhân
dân. Do vậy, nhân dân luôn có vai trò to lớn trong mọi khâu, mọi quy trình bầu
cử. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta đã diễn ra được 14 khóa, từ khóa đầu
tiên (6/1/1946) đến nay đều được tiến hành một cách dân chủ, công khai bảo đảm
đúng quy trình, thủ tục, nguyên tắc và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Kết quả và
thành công của các cuộc bầu cử, một lần nữa góp phần khẳng định bản chất ưu việt
của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và những giá trị truyền thống cốt lõi của dân
tộc Việt Nam. Đó là việc người dân luôn chủ động, trách nhiệm, thực hiện trọn vẹn
trách nhiệm, bổn phận công dân đối với Tổ quốc. Mỗi cuộc bầu cử tuy diễn ra ở
thời điểm cách mạng khác nhau, với những khó khăn, chông gai khác nhau, song
toàn dân, toàn quân ta luôn một lòng hướng về Đảng và Quốc hội, đoàn kết thực
hiện đầy đủ trách nhiệm, bổn phận, để mỗi kỳ bầu cử, số cử tri đi bầu luôn đạt
tỷ lệ cao, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử.
Ở Việt Nam, quyền bầu cử và ứng cử là những
quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp - đạo luật có
hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Quyền của
công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Bầu cử là một thể chế dân chủ đã
có từ lâu. Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nhân
dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước. Thông
qua bầu cử, Nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng
và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần
thiết lập bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.
Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên
của Nhà nước ta đã ghi nhận quyền này tại Điều 18 như sau: “Tất cả công dân Việt
Nam, từ 18 tuổi, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử trừ những người
mất trí và những người mất công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu
cử, phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại
ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử”, và tiếp tục được khẳng định xuyên suốt
trong các bản Hiến pháp năm 1959 (tại Điều 23), Hiến pháp năm 1980 (tại Điều
57), Hiến pháp năm 1992 (tại Điều 54). Điều 27 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu
cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND”. Điều 2 Luật Bầu cử
số 85/2015/QH13 ở Việt Nam quy định: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công
dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử
và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐNDcác cấp theo quy định của
Luật này”. Khoản 5, Điều 4 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp
năm 2015 quy định “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới
thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; tham gia giám
sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp”.
Rõ ràng, Việt Nam không hề có hạn chế quyền
ứng cử tự do của công dân nếu họ xét thấy mình đủ đức, đủ tài ra gánh vác công
việc chung của đất nước và được quần chúng nhân dân tín nhiệm. Đồng thời, việc
tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp không chỉ là quyền lợi
mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm nặng nề của mỗi công dân nhằm mục đích lựa chọn
cho mình những người đại diện và trao quyền cho họ thay mặt mình quyết
định các vấn đề trọng đại của đất nước, dân tộc.
Điển hình như trong cuộc bầu cử đại biểu
Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra vào ngày
22/5/2016, hơn 69 triệu cử tri tại 91.476 tổ bầu cử trong cả nước đã đồng loạt
đi bỏ phiếu. Cuộc bầu cử đã diễn ra trong không khí phấn khởi, tin tưởng, thành
công tốt đẹp. Từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng đến hải đảo, từ thành
thị đến nông thôn, đồng bào cử tri cả nước nô nức đi bỏ phiếu với tỷ lệ đi bầu
cao, khẳng định trách nhiệm và quyền lợi công dân, ngay cả đối với những cử tri
do điều kiện sức khỏe bị ốm đau, bệnh tật vẫn thực hiện trọn vẹn quyền và nghĩa
vụ của mình khi thùng phiếu được đưa tới tận giường bệnh, các cơ sở y tế. Sau
cuộc bầu cử, nhiều báo chí nước ngoài đều đã ghi nhận tính dân chủ, khoa học,
cách mạng trong công tác bầu cử ở Việt Nam. Một số tờ báo nước ngoài phản ánh,
phân tích, đánh giá rằng cuộc bầu cử ở Việt Nam, không phân biệt chức vụ, địa vị,
cương vị công tác, từ người nông dân, công nhân, cán bộ, đảng viên, cho đến các
đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đều thực hiện quyền lợi,
nghĩa vụ trong việc ứng cử và bầu cử theo đúng nguyên tắc, quy định của pháp luật.Thực
tế, quyền và nghĩa vụ đó không chỉ thể hiện trong ngày bầu cử, mà hơn thế, còn
được minh chứng trong suốt quá trình tham gia đề cử, giới thiệu người ứng cử và
bỏ phiếu, khẳng định bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa; khẳng định chân lý: Nhà
nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhân dân tổ chức
ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước (ở Trung ương là Quốc
hội; ở địa phương là HĐNDcác cấp). Thông qua bầu cử, nhân dân trực tiếp bỏ phiếu
bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, để thay mặt
mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập ra bộ máy nhà nước để tiến
hành các hoạt động quản lý xã hội.
Bài viết rất ý nghĩa
Trả lờiXóaNhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước.
Trả lờiXóa