Trong bối cảnh cả hệ thống
chính trị đang tích cực triển khai tiến trình bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND
các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thì trên các trang mạng chống đối lại tung ra hàng
loạt luận điệu chống phá, tiêu biểu như: họ xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng
đối với công tác bầu cử, cho rằng cuộc bầu cử do Đảng Cộng sản lãnh đạo là
không chính danh, không đúng quy định của pháp luật, là ngăn cản quyền bầu cử của
công dân, rằng “Bầu cử chỉ là “màn kịch dân chủ” do Đảng đạo diễn, chỉ là hội
nghị Đảng Cộng sản mở rộng”, “Đảng Cộng sản đang độc diễn trong bầu cử”, “Không
thể có cuộc bầu cử dân chủ khi Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử” v.v…. Từ đó
đưa ra đòi hỏi “Đảng Cộng sản không được tham gia vào công tác bầu cử, không được
thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo công tác bầu cử”, “phải “tự rút lui” và từ bỏ quyền
lãnh đạo bầu cử, chấp nhận đa nguyên, đa đảng, chấp nhận sự cạnh tranh với những
đảng phái khác để thúc đẩy dân chủ”…
Những luận điệu này không
hề mới, chúng chỉ khác ở thời điểm tung ra và thêm thắt tình hình, diễn biến
cho có tính “thời sự” mà thôi. Những luận điệu này cho thấy những kẻ viết, nói
lấy được, không hề đọc hiểu pháp luật, không hề tìm hiểu cách thức Đảng lãnh đạo
cuộc bầu cử như thế nào cũng như công tác tổ chức bầu cử dân chủ ra sao?
Thứ nhất, Đảng lãnh đạo bầu
cử: đã được Hiến định!
Điểm 1, điều 4, Hiến pháp
năm 2013: “Đảng Cộng sản Việt Nam-Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng
thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu
trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc,
lấy Chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực
lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Là lực lượng lãnh đạo Nhà
nước và xã hội thì đương nhiên đối với cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, sự
kiện chính trị quan trọng hàng đầu để xây dựng chính quyền nhân dân, không có
lý do gì Đảng không tập trung sự lãnh đạo. Và chính sự lãnh đạo ấy giúp cho quá
trình bầu cử tốt hơn, đúng Hiến pháp và pháp luật, phát huy được vai trò của toàn
Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị vào nhiệm vụ quan trọng này.
Thứ hai, Đảng lãnh đạo bầu
cử có lạm quyền?
Chuyên gia nghiên cứu lịch
sử PGS,TS Vũ Quang Đạo từng lập luận: Nghiên cứu lịch sử Quốc hội, tôi thấy vai
trò lãnh đạo của Đảng rất tích cực. Đảng lãnh đạo bầu cử nhưng luôn tôn trọng
dân chủ, không bao biện, làm thay, không khuynh loát bầu cử như những quan điểm
xuyên tạc. Tinh thần ấy đã được thấm nhuần ngay từ những ngày đầu non trẻ của
Nhà nước ta khi Chủ tịch Hồ Chí Minh-người khai sinh Đảng ta và Nhà nước Việt
Nam dân chủ cộng hòa, đã sớm quan tâm xây dựng một Nhà nước dân chủ do nhân dân
bầu ra theo chế độ phổ thông đầu phiếu.Vào thời điểm ấy, bọn phản động càng
hung hăng, liên tiếp gây rối. Chúng tăng cường phân phát báo lá cải, tổ chức biểu
tình nói xấu Chính phủ vì biết không thể giành ưu thế trong cuộc tổng tuyển cử.
Chúng kêu gọi công dân tẩy chay bầu cử, gây sức ép đòi 80 ghế cho các đảng: Việt
Quốc, Việt Cách trong Quốc hội. Đảng ta đã lãnh đạo tuyên truyền, giải thích, vạch
trần bộ mặt phá hoại của bọn phản động và kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu, thực hiện
quyền công dân. Đặc biệt, dù đồng bào nhiều địa phương và nhân dân Hà Nội kiến
nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh được miễn ứng cử vì nhân dân đã suy tôn Người làm Chủ
tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhưng Người đã từ chối và
gương mẫu ra bầu cử.
Trong thời điểm khó khăn
“thù trong giặc ngoài”, “ngàn cân treo sợi tóc” như vậy mà Đảng ta còn không lạm
quyền trong bầu cử thì không có lý do gì trong bối cảnh hiện nay, với nhiều
thành tựu to lớn sau hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta đi ngược lại với những chủ
trương đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa”.
Tiếp đến, qua các cuộc bầu
cử ĐBQH và HĐND từ năm 1945 đến nay, Đảng đều lãnh đạo hoàn thiện pháp luật về
bầu cử ngày càng gần với xu thế nghị trường hiện đại trên thế giới, đảm bảo dân
chủ, chặt chẽ và hoàn thiện về pháp luật hơn. Hệ thống pháp luật ấy bao gồm: Bản
Hiến pháp mới được sửa đổi năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Bầu cử
đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa
phương 2015… Không phải ngẫu nhiên mà có được hệ thống luật hoàn chỉnh như vậy
nếu không có vai trò lãnh đạo của Đảng. Từ Nghị quyết Đại hội XI của Đảng
(2011), Đảng ta đã xác định phải: “Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến
pháp cho phù hợp với tình hình mới”, “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội,
bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền
lực nhà nước cao nhất. Hoàn thiện cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội để cử tri lựa
chọn và bầu những người thực sự tiêu biểu vào Quốc hội…”.
Thứ ba, Đảng có can thiệp
sâu, có áp đặt bầu cử?
Trước cuộc bầu cử, Bộ
Chính trị chỉ có Chỉ thị 45-CT/TW ngày 20/6/2020 chỉ đạo công tác tổ chức bầu cử,
trong đó yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức Đảng lãnh đạo đảo đảm phát huy dân chủ
và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Gắn kết quả
nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân
sự để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có
quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp
luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm đại biểu Quốc hội và đại biểu
Hội đồng nhân dân. Kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu
Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất
là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền,
xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng,
Nhà nước.…
Đây là văn bản chỉ đạo
mang tính định hướng duy nhất trong số 19 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan
đến bầu cử năm nay. Như vậy, từ sự lựa chọn, quy định cơ cấu, cách thức tổ chức
bầu cử, số lượng đại biểu trong Đảng, ngoài Đảng, chuyên trách hay không chuyên
trách… đều do Hội đồng bầu cử quốc gia hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.
Mỗi quốc gia có một thể
chế chính trị khác nhau. Thực tiễn hơn 80 năm ra đời đã chứng minh, vai trò
lãnh đạo đất nước và xã hội của Đảng trên mọi lĩnh vực đời sống chính trị, kinh
tế, xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đều góp phần làm cho đất nước phát triển, giữ
vững môi trường hòa bình, ổn định, ngày càng mở rộng và nâng cao chất lượng thụ
hưởng các quyền tự do dân chủ phát triển cho người dân. Trong lĩnh vực bầu cử
cũng vậy, Đảng không làm người dân bị tước đoạt các quyền chính trị, trong đó
có quyền bầu cử, ứng cử tự do. Ngược lại, sự lãnh đạo ấy càng làm cho quá trình
bầu cử nói riêng được tập trung, dân chủ hơn, đạt chất lượng tốt hơn.
Người dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác và đấu tranh vạch trần bộ mặt thật, loại bỏ những luận điệu xuyên tạc, của bọn phản động và các thế lực thù địch.
Trả lờiXóaChúng ta phải nhận diện được âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, chỉ rõ những phương thức chống phá của chúng; đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cán bộ đảng viên và người dân để chống lại luận điệu xuyên tạc của chúng.
Trả lờiXóa