Với trách nhiệm của công dân, nhất là cán bộ, đảng viên thì việc thực hiện quyền tố cáo là cần thiết, nhưng phải tuân thủ luật pháp, đúng về nội dung, đúng thời điểm và trình tự. Để giải quyết một nội dung tố cáo thường mất nhiều thời gian xác minh, điều tra mới có thể kết luận. Ở kỳ bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Hướng dẫn số 13-HD/UBKTTW, ngày 2-12-2020 “về việc giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp”. Hướng dẫn nêu rõ: Trong thời hạn 10 ngày, trước ngày bầu cử, ngừng việc xem xét, giải quyết mọi tố cáo, khiếu nại liên quan tới người ứng cử và việc lập danh sách người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp cho đến khi bầu cử xong.
Về mặt pháp lý thì quyền tố cáo của công dân được quy định
tại Điều 30, Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ
quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ
quan, tổ chức, cá nhân”. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định chặt chẽ trình tự,
thủ tục để công dân thực hiện quyền này. Trong đó, rõ ràng nhất là quy định đơn
thư khiếu nại, tố cáo phải được gửi đến đúng cơ quan có chức năng giải quyết,
theo đúng phân cấp, tránh tình trạng gửi đơn thư vượt cấp khi mà cấp có trách
nhiệm đang trong thời gian xem xét, xử lý. Theo Hướng dẫn số 13 của Ủy ban Kiểm
tra Trung ương thì không giải quyết những trường hợp khiếu nại quá thời hạn khiếu
nại theo quy định đang được cấp trên có thẩm quyền giải quyết; đã được cấp có
thẩm quyền cao nhất xem xét, kết luận, quyết định. Hướng dẫn số 13 cũng nêu rõ
những trường hợp tố cáo không được giải quyết bao gồm: Tố cáo giấu tên, mạo tên,
không rõ địa chỉ; tố cáo có tên đã được cấp thẩm quyền (do Điều lệ Đảng và Luật
Tố cáo quy định) xem xét, kết luận, nay tố cáo lại nhưng không có thêm tài liệu,
chứng cứ mới làm thay đổi bản chất vụ việc; đơn tố cáo có tên nhưng không rõ nội
dung, không chứa đựng, phản ánh nội dung tố cáo; đơn tố cáo không phải bản do
người tố cáo trực tiếp ký tên; đơn tố cáo có từ hai người trở lên cùng ký tên; đơn
tố cáo của người không có năng lực hành vi dân sự.
Mỗi cá nhân nếu thực hiện quyền tố cáo cần phải nắm chắc
các quy định của pháp luật với trách nhiệm cao nhất của mình.
Không ai được thực hiện quyền năng này một cách vô tổ
chức để xâm phạm nhân thân người khác. Điều 20, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi
người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ,
danh dự và nhân phẩm…”. Điều 34, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định rất rõ:
Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo
vệ. Luật sư Lê Văn Lên, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Hãng luật Capital
cho biết: “Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định cụ thể,
chi tiết tội vu khống: Cụ thể Điều 156 quy định: “1. Người nào thực hiện một
trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng,
phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: a)
Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm
trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người
khác; b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền…”.
Nhìn nhận từ thực tiễn hệ thống luật pháp của chúng ta
cho thấy, chế tài hiện nay đối với hành vi tố cáo vu khống, cố tình tố cáo sai
sự thật đã đủ sức răn đe trong khuôn khổ pháp lý chặt chẽ. Cùng với việc luật
pháp cần phải được áp dụng rộng rãi để tạo tính răn đe, thì quan trọng nhất là
mọi người dân phải nâng cao nhận thức để hành động thượng tôn pháp luật.
Có hiểu luật thì mới chấp hành nghiêm pháp luật
Trả lờiXóaĐúng như bạn nghĩ
Xóa