Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

LẦN ĐẦU TIÊN ĐƯƠNG KIM THỦ TƯỚNG ĐƯỢC GIỚI THIỆU BẦU LÀM CHỦ TỊCH NƯỚC

Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV sẽ bầu chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và một số vị trí lãnh đạo khác.

Theo thông tin ở buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11 của Quốc hội, Quốc hội sẽ dành khoảng 7 ngày để xem xét, kiện toàn một số vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước.

Dự kiến, Quốc hội sẽ bầu chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và một số vị trí khác như Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Chính phủ, tổng cộng là 25 chức danh.

Về câu hỏi của phóng viên liên quan việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là lần đầu tiên đương kim Thủ tướng được giới thiệu bầu làm Chủ tịch nước.

"Về mặt kỹ thuật, nếu tuần tự bầu, Chủ tịch nước miễn nhiệm Thủ tướng trước, sau đó mới tiến hành các bước sau" - Tổng Thư ký Quốc hội cho biết.

Về việc tuyên thệ nhậm chức, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói: "Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội được bầu phải tuyên thệ, đây là hiến định. Chủ tịch nước khoá XIV tiếp tục được bầu vào kỳ họp đầu tiên khóa XV thì vẫn tuyên thệ nhậm chức".

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng nhấn mạnh, quy trình kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước không thể bớt được. Ví dụ khi bầu Chủ tịch nước phải làm quy trình miễn nhiệm và quy trình giới thiệu. Sau khi đọc tờ trình, các đại biểu về đoàn trao đổi. Sau đó, Thường vụ Quốc hội họp lại, lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội, tiếp thu, giải trình trước Quốc hội, báo cáo Quốc hội thành lập ban kiểm phiếu…

"Quy trình không thể bớt khâu nào được. Chúng ta không thể bầu một lúc cả Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội mà phải xếp theo tuần tự. Sau khi bầu Chủ tịch Quốc hội mới tiến hành bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch nước mới giới thiệu Thủ tướng mới. Vì vậy, chúng ta không thể bỏ bước nào được, không thể làm tắt" - Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, việc bầu Thường vụ Quốc hội gồm 3 đợt để đảm bảo nguyên tắc 2/3 Ủy viên Thường vụ tiến hành giải trình, cho ý kiến, trình nhân sự. Đến đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, công tác nhân sự sẽ tiến hành rất nhanh, có thể bầu 18 Ủy viên Ủy ban Thường vụ ngay một lúc.

2 nhận xét: