Thứ Tư, 3 tháng 3, 2021

BỐI CẢNH ĐẠI HỘI XIII VÀ YÊU CẦU ĐẶT RA ĐỐI VỚI TẦM NHÌN CỦA ĐẢNG VỀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Đại hội XIII của Đảng được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; đất nước đã qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Quy mô, trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước được nâng lên. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là động lực, nguồn lực quan trọng để đất nước ta vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và còn nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Việc phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường; việc phát triển đồng bộ các vùng, miền, địa phương trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng vẫn còn nhiều hạn chế. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Xu hướng già hóa dân số, đô thị hóa tăng nhanh; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng ngày càng lớn đến sự phát triển đất nước. Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá Đảng, Nhà nước, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của đất nước.

Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đứng trước nhiều khó khăn, trở ngại. Tình hình chính trị, an ninh, kinh tế thế giới có những biến động lớn, nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra phức tạp, quyết liệt; chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy, cường quyền nước lớn trong quan hệ quốc tế gia tăng. Toàn cầu hóa tiếp tục tiến triển nhưng gặp nhiều trở ngại, luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại giữa các nước, các nền kinh tế ngày càng quyết liệt. Nhiều vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, an ninh mới như an ninh mạng, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh... trở thành những thách thức lớn trên quy mô toàn cầu. Đại dịch Covid-19 làm đảo lộn, suy thoái nghiêm trọng kinh tế thế giới. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo căng thẳng, phức tạp. ASEAN có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác trong khu vực, nhưng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, đất nước đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn đề mới đặt ra đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải giải quyết, có những quyết định đúng đắn, mạnh mẽ để phát triển đất nước ta nhanh và bền vững. Đại hội XIII của Đảng có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng, nâng cao hiệu quả đối ngoại, hội nhập quốc tế; cả đối nội và đối ngoại, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và công tác xây dựng Đảng; trên cơ sở đó, quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ 5 năm 2021-2025 tới, như Đại hội các nhiệm kỳ khác. Đồng thời, Đại hội XIII còn đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 do Đại hội XI của Đảng (năm 2011) thông qua và quyết định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước 10 năm tới, 2021-2030, như một số Đại hội Đảng có nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển đất nước định kỳ 10 năm. Nhưng ý nghĩa của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước 10 năm lần này là: năm 2030 là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng. Đặc biệt, Đại hội XIII còn đề ra tầm nhìn của Đảng về mục tiêu phát triển đất nước xa hơn, đến năm 2045, năm kỷ niệm 100 năm thành lập Nhà nước Việt Nam mới. Đây là điểm mới, có ý nghĩa rất quan trọng.

Tầm nhìn là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu về năng lực, phẩm chất của người lãnh đạo, của một đảng chính trị, nhất là đảng cầm quyền. Tầm nhìn thể hiện lý tưởng phấn đấu, thể hiện mục tiêu cần đạt được, là cơ sở để xác định nhiệm vụ, giải pháp thực hiện; để thống nhất tư tưởng, đoàn kết trong Đảng, tập hợp, đoàn kết, cổ vũ, động viên mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân, các lực lượng xã hội phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh để thực hiện mục tiêu, lý tưởng đó. Yêu cầu đặt ra với tầm nhìn là sự đúng đắn, chính xác của định hướng, mục tiêu đề ra, phù hợp với lý tưởng của Đảng, tính chất, xu thế của thời đại, yêu cầu phát triển của đất nước trong từng giai đoạn, có cơ sở, căn cứ khoa học, phù hợp với thực tiễn, điều kiện của đất nước, khả thi, thể hiện khát vọng, ý chí quyết tâm phấn đấu cao nhưng không chủ quan, duy ý chí.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội VII của Đảng thông qua năm 1991 (Cương lĩnh 1991) và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã đề ra tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI và đến khi kết thúc (hoàn thành) thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước là sự kế thừa, cụ thể hóa tầm nhìn, mục tiêu do Cương lĩnh đề ra. Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự phát triển của đất nước, là cơ sở bảo đảm sự nhất quán, kết nối, kế thừa trong chủ trương, đường lối phát triển đất nước của Đảng qua các kỳ Đại hội Đảng đến giữa thế kỷ XXI, bảo đảm sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong đường lối phát triển đất nước. Đây là yêu cầu đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm quyền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của đất nước ta; trong khi đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; thách thức trên con đường phát triển của đất nước còn nhiều, không thể xem thường, chủ quan, dao động, mất cảnh giác.

1 nhận xét: