Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

GIẢI PHÁP LẤY DÂN LÀM GỐC KẾT HỢP VỚI XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ LÀM CÔNG TÁC LÝ LUẬN TRÊN ĐỊA HẠT KHÔNG GIAN MẠNG

Chúng ta luôn tâm niệm phải lấy dân làm gốc, vậy “dân” trên không gian mạng có phải là gốc không? Dù trong tình huống nào đi nữa, nhất là trên không gian mạng, chúng ta càng phải tuân thủ nguyên tắc “lấy dân làm gốc”, nghĩa là chúng ta cần cần có sự ủng hộ của những người quản trị (Admin), người điều hành (Smod), người điều tiết (Moderator), người gây ảnh hưởng (Kol),… cũng như của toàn thể cư dân mạng. Chúng ta phải luôn tôn trọng địa vị cao nhất của nhân dân, tin tưởng và dựa vào quần chúng nhân dân trên không gian mạng. Vấn đề cốt lõi của công tác tư tưởng trực tuyến là cách đối xử với quần chúng trên không gian mạng. Chúng ta nói lên tiếng nói của người dân, bênh vực nhân dân, đứng về phía quyền lợi của nhân dân thì nhân dân sẽ tin yêu chúng ta, bảo vệ chúng ta.

Chúng ta cần phải chủ động chiếm lĩnh không gian mạng, tăng cường sức ảnh hưởng của hệ tư tưởng chính thống bằng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục tư tưởng đối với cư dân mạng. Công tác giáo dục tư tưởng, chính trị cho nhân dân cần gắn với giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, lịch sử, văn hóa, tình cảm, đạo đức. Đối với cán bộ, đảng viên, cần tăng cường giáo dục lý tưởng, niềm tin và quan trọng hơn là nâng cao nhận thức về các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, đảng viên không chỉ không được có những biểu hiện trái với quan điểm của Đảng, mà còn phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tuyên truyền, bảo vệ quan điểm của Đảng trên không gian mạng.
Định hướng tư tưởng bằng công tác lý luận không thể tách rời việc xây dựng đội ngũ những người làm công tác lý luận. Định hướng tư tưởng, lãnh đạo dư luận bằng chuyên gia và học giả là xu thế tất yếu. Mối quan hệ biện chứng giữa “xây” và “chống” chính là thể hiện ở đây. 

Giống như Bác Hồ trước đây nói ai cũng hiểu, ai cũng thấm thía, những người làm công tác tư tưởng, lý luận cũng phải học theo phương pháp diễn ngôn đó. Nói một cách hình ảnh, lý luận không chỉ như một món ăn cầu kỳ dành cho khách sành ăn trong nhà hàng sang trọng, mà cần thiết hơn, nó còn phải là món ăn đường phố cho người lao động, món ăn hằng ngày trong mỗi gia đình. Những vấn đề lý luận mà quần chúng quan tâm cần được giải thích rõ ràng, cặn kẽ bằng ngôn ngữ của quần chúng; người làm lý luận phải nắm vững cách nói của quần chúng, sử dụng ngôn ngữ sinh động, gần gũi với nhiều hình thức đa dạng để dễ được quần chúng chấp nhận, để lý luận thực sự bén rễ và đi vào suy nghĩ, cũng như trở thành hành động cụ thể, thiết thực của người dân.

Thực tiễn cần được tổng kết, đúc rút kinh nghiệm. Vì vậy, một đặc thù của hoạt động tư tưởng, lý luận là không thể nhanh chóng có kết quả như một số hoạt động thực tiễn khác. Sáng tạo lý luận là một hoạt động đặc biệt, đòi hỏi phải có thời gian. Immanuel Kant, một trong những triết gia vĩ đại nhất thế giới, cả đời chỉ đọc sách và nghiên cứu, thế mà cũng phải đến khi ông 57 tuổi mới có thể cho ra mắt cuốn Phê phán lý tính thuần tuý, một trong bộ ba tác phẩm phê phán nổi tiếng của ông. Bản thân C.Mác cũng mất 20 năm để viết cuốn Tư bản, song vẫn chưa thể hoàn thành. Sáng tạo lý luận đòi hỏi sự đầu tư rất lớn cả về công sức lẫn thời gian như vậy, song hoạt động chống phá về tư tưởng trên không gian mạng lại diễn ra từng phút, từng giây, đây là một trong những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết. Không thể để những người làm công tác lý luận liên tục trả lời, đối thoại hoặc phản bác mọi thông tin sai trái, điều này vừa lãng phí tài nguyên trí tuệ, vừa có thể kéo lùi các nhà khoa học xuống những điều vụn vặt. Cần khai thác tối đa trí tuệ, công sức của những người làm công tác lý luận để đấu tranh ở những luận điểm lớn, những luận điểm nền tảng mang tính then chốt, mang tính nguyên tắc của Đảng, của chế độ, của dân tộc; đấu tranh với những trường phái, những nhân vật đại diện mang tính tiêu biểu của thế lực thù địch trong và ngoài nước.

2 nhận xét: