Thứ Tư, 3 tháng 3, 2021

NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC QUA VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII

Điểm mới trong mục tiêu tổng quát

Thứ nhất, mục tiêu tổng quát phát triển đất nước trong những năm tới trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. So với mục tiêu tổng quát của Đại hội XII, ngoài những điểm mới đã nêu trong chủ đề Đại hội, còn có những điểm mới sau:

Thứ hai, bổ sung “năng lực cầm quyền” vào nội dung “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng” để thành “nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng”.

Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu là những yêu cầu hàng đầu đối với Đảng để Đảng làm tốt được vai trò lãnh đạo của Đảng mọi mặt hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối nội, đối ngoại của đất nước. Những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực, thế giới; sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đất nước đặt ra nhiều vấn đề mới đòi hỏi Đảng phải giải quyết, phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình. Vì vậy, nhiệm vụ “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” đã được nhiều lần đề ra trong các văn kiện của Đảng. Tuy nhiên, khi là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo chủ yếu bằng Nhà nước, thông qua Nhà nước. Đây là điều rất khác với sự lãnh đạo của Đảng khi chưa có chính quyền. Cầm quyền là lãnh đạo nhưng thông qua Nhà nước, phương thức cầm quyền có điểm chung, tcó điểm khác với phương thức lãnh đạo. Đây là vấn đề rất cần phải tiếp tục làm rõ. Trong thực tế, những năm vừa qua, vừa có tình trạng Đảng làm thay Nhà nước, vừa có tình trạng buông lỏng lãnh đạo Nhà nước. Vì vậy, việc bổ sung “năng lực cầm quyền” vào nội dung “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng” sẽ nhấn mạnh cần phải chú ý, cần phải quan tâm nghiên cứu, hoàn thiện thể chế để thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Thứ ba, bổ sung “toàn diện”, “củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa” vào nội dung “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” để thành “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Bổ sung “toàn diện” vào “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” là nhấn mạnh yêu cầu xây dựng trong sạch, vững mạnh cả đối với Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và trong mỗi tổ chức này cần xây dựng toàn diện cả về tổ chức, cán bộ, phương thức hoạt động; với cán bộ phải xây dựng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tác phong làm việc...

Bổ sung “củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa” bởi trong những năm vừa qua tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Một trong những yêu cầu, mục tiêu của xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện là phải củng cố được niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, đó là nền tảng chính trị của Nhà nước, của chế độ ta.

Thứ tư, bổ sung “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” vào câu “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới” để thành “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới là quan điểm, chủ trương lớn của Đảng được nêu trong mục tiêu tổng quát phát triển đất nước của Báo cáo chính trị các Đại hội X, XI, XII và trong nhiều văn kiện của Đảng. Ở các Đại hội này, trong mục tiêu tổng quát, sau câu “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới” là “phát triển đất nước nhanh, bền vững”, một mục tiêu tổng quát hết sức quan trọng, bao gồm nhiều lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội được xác định là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng, nhiệm vụ này được quan tâm đẩy mạnh, đạt một số thành tựu; nhưng kết quả còn nhiều hạn chế, mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được; trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế thấp... Đây là hạn chế, điểm yếu quan trọng của nước ta. Trong những năm tới, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh quốc tế hết sức gay gắt, quyết liệt, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế đặt ra cấp thiết, có ý nghĩa sống còn đối với đất nước ta. Vì vậy, bổ sung nội dung này vào mục tiêu tổng quát trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng là quan trọng, cần thiết để nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, được thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả cao hơn trong những năm tới.

2 nhận xét:

  1. Người dân Việt Nam luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng CSVN

    Trả lờiXóa
  2. Việc bổ sung nội dung vào mục tiêu tổng quát trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng là quan trọng, cần thiết để nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, được thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả cao hơn trong những năm tới.

    Trả lờiXóa