Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021

LỜI DẶN CỦA BÁC VÀ BẢN SẮC MANG TÊN PHỤ NỮ VIỆT NAM

Trong thư gửi phụ nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Quốc tế Phụ nữ, Hồ Chủ tịch viết: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Nếu có một đề từ ngợi ca phụ nữ Việt Nam mang tính khái quát cao nhất, sinh động nhất, đẹp đẽ nhất thì đó chính là lời Hồ Chủ tịch đã viết trong thư gửi phụ nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Quốc tế Phụ nữ: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Trong suốt hành trình của 79 năm tận hiến, trong cái “ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” thì giải phóng cho phụ nữ thật sự là một cuộc cách mạng. “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ mới một nửa” (bài nói chuyện của Hồ Chủ tịch tại hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959). Người khẳng định nam nữ bình quyền - “đó là một cuộc cách mạng khá to và khó”.

Bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu thành tập quán, từ đó dẫn tới những hệ lụy xã hội nặng nề khác mà chính người phụ nữ, dù muốn, cũng không dễ thoát khỏi cái bóng định kiến bao phủ.

Ở con người-Ái-Quốc vĩ đại ấy, bậc văn nhân tầm vóc ấy, không phải chỉ đợi đến sau bao năm bôn ba nước ngoài, hấp thụ những tinh hoa văn minh, tiến bộ thì Người mới dành một sự tôn trọng bình quyền nam nữ mà trong mạch ngầm văn hóa dân tộc, Bác đã thấu cảm đức hy sinh, sức mạnh vô bờ của người phụ nữ Việt Nam. Đi qua những cuộc kháng chiến trường kỳ, sức mạnh ấy, lòng hy sinh không bờ bến ấy càng bền bỉ, thủy chung. Chính vì vậy, với Người, tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc cũng là thực hiện cuộc cách mạng giải phóng người phụ nữ khỏi những tự ti, định kiến, áp bức tăm tối, đưa họ đến vùng ánh sáng của tự do, tiến bộ, tự chủ.

Một điểm đặc biệt văn minh trong tư tưởng của Hồ Chủ tịch về thực hiện bình quyền, đó chính là Người luôn đặt ra yêu cầu về sức mạnh tự thân của người phụ nữ. Muốn được giải phóng, trước hết chính chị em phải là người có nhận thức, có nhu cầu và khát khao tự do ấy. Từ đó, họ hành động trong sự tự chủ về lao động, về học tập, về chăm lo hạnh phúc cho mình và gia đình, xã hội. Người căn dặn: "Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh” (năm 1959). Hay “bản thân chị em phụ nữ phải có chí tự cường tự lập, phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình” (năm 1960), “phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật” (năm 1961).

Tháng 5/1968, trong Di chúc, Người cũng để lại những dòng di huấn cho chị em phụ nữ, Người ân cần căn dặn "Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ".

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người, biết ơn một cuộc đời đã hy sinh trọn vẹn cho non sông đất nước cũng là để nhìn lại hành trình “tự cường, tự lập, nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật” đã và đang ở những cột mốc nào. Kết nối, liên hiệp sức mạnh xã hội để cùng nhau hoàn thành sự nghiệp bình đẳng giới; tự tin, mạnh mẽ mà vẫn dịu dàng, nhân hậu nuôi dưỡng và truyền trao "tự cường, tự lập" trong mỗi bản thể và cho toàn thể - kết tinh thành bản sắc giới mang tên Phụ nữ Việt Nam. 

2 nhận xét:

  1. Bác Hồ luôn quan tâm đến mọi tầng lớp nhân dân

    Trả lờiXóa
  2. Tất cả mọi lời dạy của Bác Hồ còn giữ nguyên giá trị, chúng ta phải luôn ghi nhớ và thực hiện thật tốt.

    Trả lờiXóa