Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

MÔN LỊCH SỬ, XIN ĐỪNG TRỞ THÀNH “KÉP PHỤ”

Suốt nhiều ngày qua, thậm chí nhiều năm qua, xung quanh việc dạy và học môn Lịch sử ở cấp THPT thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Phải chăng người đời rỗi việc mà lại bận tâm nhiều đến việc con trẻ nên được học lịch sử theo cách nào, học nhiều hay ít? Xin thưa, hoàn toàn không phải như vậy. Bởi, kiến thức về lịch sử dân tộc không chỉ góp phần hình thành nhân cách mà còn tạo nên nền móng vững chắc xây đắp tình yêu Tổ quốc trong mỗi người con đất Việt. Không hiểu lịch sử, không biết lịch sử của dân tộc, sao có thể đòi hỏi thế hệ tiếp sau yêu được đất nước mình, yêu được quê hương của mình. Giá trị của lịch sử làm nên giá trị của dân tộc.

Nhìn lại, hẳn không phải ngẫu nhiên, ngay từ năm 1942, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã viết bài diễn ca "Lịch sử nước ta" gồm 210 câu về lịch sử hào hùng của dân tộc với hai câu thơ mở đầu: "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Bài diễn ca của Người không chỉ khái quát những trang lịch sử vẻ vang của dân tộc mà chính là một cách dạy lịch sử phù hợp trong điều kiện phần lớn người Việt Nam lúc bấy giờ đều không biết đọc, biết viết. Chính từ những vần thơ ấy, chính hiểu rõ được lịch sử của dân tộc mà lớp lớp người Việt Nam tự nguyện hiến dâng thân xác của mình đi theo cách mạng, đi theo Bác Hồ làm nên những thắng lợi mang ý nghĩa thời đại sâu sắc.

Vậy, việc học lịch sử hiện nay của các em học sinh cấp THPT ra sao? Thật khó có thể nói hết thực trạng về vấn đề này, chỉ xin dẫn ra một vài số liệu để bạn đọc suy ngẫm. Theo số liệu được công bố trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam qua đánh giá của nhiều cán bộ trực tiếp chấm thi, phổ điểm môn Lịch sử năm 2021 của thí sinh chỉ từ 0 đến 3 điểm. Nhiều trường đại học có trên 98% bài thi môn Lịch sử dưới điểm trung bình, thậm chí có trường chỉ một thí sinh đạt điểm trung bình môn này. Số lượng bài đạt điểm trên trung bình chỉ hơn 25%, còn lại gần 75% là điểm dưới trung bình. Trong đó, số lượng học sinh bị điểm 0 tương đối nhiều. Số học sinh đạt 7, 8 điểm chiếm chưa đến 5%. Trong số 10.000 bài thi môn Lịch sử thì may ra mới có một bài đạt điểm 9.

Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của môn học Lịch sử chắc hẳn ai cũng hiểu rõ. Thực trạng chất lượng học tập môn Lịch sử cũng chẳng cần phải mất nhiều công nghiên cứu, khảo sát cũng đủ để minh chứng về kết quả và niềm đam mê của học sinh đối với môn học này. Kết quả đó là khi Lịch sử còn được nhiều địa phương chọn là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc thì liệu tới đây, tự chọn sẽ ra sao? Câu trả lời này chắc phải dành cho ngành giáo dục.

Dân tộc Việt Nam có bề dày lịch sử hào hùng và những giá trị văn hóa hết sức đặc sắc. Lịch sử và giá trị văn hóa dân tộc tạo nên cốt cách, hình hài của người Việt. Nhờ vào lịch sử, dựa chính vào lịch sử, tôn trọng lịch sử mà dân tộc ta đứng vững không bị đồng hóa và thôn tính. Bởi vậy, là người Việt Nam, không học lịch sử Việt Nam, không biết lịch sử nước nhà thì sao có thể xây đắp được tình yêu quê hương, đất nước. Vậy nên xin hãy, đừng để môn Lịch sử trở thành “kép phụ” trong việc trang bị kiến thức và bồi dưỡng nhân cách cho một thế hệ tương lai.

1 nhận xét:

  1. Dân tộc Việt Nam có bề dày lịch sử hào hùng và những giá trị văn hóa hết sức đặc sắc. Nhờ vào lịch sử, dựa chính vào lịch sử, tôn trọng lịch sử mà dân tộc ta đứng vững không bị đồng hóa và thôn tính. Bởi vậy, là người Việt Nam, không học lịch sử Việt Nam, không biết lịch sử nước nhà thì sao có thể xây đắp được tình yêu quê hương, đất nước.

    Trả lờiXóa