Ý thức dân tộc là một
thành tố của chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc là một hệ thống tư tưởng
khẳng định sự tôn nghiêm, lợi ích và giá trị của quốc gia trong quan hệ so sánh
với các quốc gia khác. Nó được thể hiện ở tính tự tôn, giá trị văn hóa dân tộc,
ý thức dân tộc và bản sắc dân tộc mạnh mẽ. Khái niệm chủ nghĩa dân tộc chỉ bắt
đầu xuất hiện ở phương Tây từ thời cận đại với nội dung đề cao bản sắc dân tộc,
độc lập dân tộc và quyền tự quyết của dân tộc. Nếu hiểu ý thức dân tộc là ý
thức của một dân tộc, thì chủ nghĩa yêu nước là sự thể hiện cao nhất của ý thức
quốc gia, còn chủ nghĩa dân tộc là sự thể hiện cao nhất của ý thức dân tộc.
Hiện nay, chủ nghĩa yêu nước ngày càng thay thế chủ nghĩa dân tộc và ý thức dân
tộc cũng ngày càng hòa quyện với chủ nghĩa yêu nước.
Ý thức dân tộc không
thể hình thành từ vũ lực hay từ sức ép bên ngoài, mà được hình thành một cách
tự nhiên từ bên trong một tộc người hoặc trong một dân tộc có nhiều tộc người,
với các nhân tố ngôn ngữ chung, lãnh thổ, tín ngưỡng, lối sống, phong tục, ý
thức tự giác tộc người,... và các yếu tố tự nhiên khác.
Sự cố kết dân tộc và
sức mạnh của văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ ở phương Đông,
mà còn ở các quốc gia phương Tây. Trong thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa dân tộc trỗi
dậy ở phương Tây, nhiều quốc gia đã đặc biệt chú ý đến mối quan hệ giữa giáo
dục và ý thức dân tộc, tầm quan trọng của giáo dục ý thức dân tộc. Sau chiến
tranh Pháp - Phổ, các học giả Phổ đã cố gắng sử dụng giáo dục như là phương
tiện để khơi dậy ý thức dân tộc của những người Phổ vốn còn đang say giấc nồng,
làm sống lại lòng tin của người Phổ đối với quốc gia, đặc biệt là khơi dậy lòng
yêu nước của thanh niên Phổ. Một trong những nhân vật tương đối quen thuộc với
chúng ta là triết gia Giô-han Gót-lip Phích-tơ (Johann Gottlieb Fichte, 1762 -
1814), người góp phần hình thành nên chủ nghĩa dân tộc Đức. G. Phích-tơ đã xuất
bản cuốn sách Phát biểu gửi quốc dân Đức (Addresses to the German Nation) ủng
hộ chủ nghĩa dân tộc Đức, khuyến khích mọi người khôi phục tinh thần dân tộc để
phản ứng lại việc đế quốc Pháp của Na-pô-lê-ông chiếm đóng và chinh phục các
lãnh thổ của Đức. Bên cạnh đó, G. Phích-tơ còn nhận thấy rằng các nhà giáo dục,
đặc biệt là giáo viên trong các trường học, cần phải gánh vác trách nhiệm quảng
bá, truyền thụ văn hóa dân tộc. Những tư tưởng và hoạt động của G. Phích-tơ về
giáo dục tinh thần dân tộc đã góp phần vực dậy được tinh thần dân tộc, từ đó
thống nhất hoàn toàn nước Phổ. Các nhà sử học thường coi đây là một ví dụ lịch
sử cụ thể về sự kết hợp giữa giáo dục và chủ nghĩa dân tộc.
Không chỉ giáo dục có
tác động đến ý thức dân tộc, mà ý thức dân tộc cũng có ảnh hưởng đến giáo dục.
Sự phát triển ý thức dân tộc ở phương Tây đã góp phần định hình môi trường giáo
dục quốc dân với những ngôn ngữ chung thống nhất, chú trọng đến các nội dung
lịch sử, địa lý, văn hóa quốc gia trong chương trình giáo dục để hình thành một
hệ tư tưởng, một giá trị và một quan điểm văn hóa chung. Việc coi trọng giáo
dục công dân trong giáo dục, nuôi dưỡng tình cảm yêu nước, phát triển niềm tin
dân tộc và tính ưu việt của quốc gia mình đều có thể được coi là những minh
chứng cụ thể của giáo dục ý thức dân tộc phương Tây hiện đại.
Thế giới đương đại đã
vượt qua chủ nghĩa dân tộc chủng tộc (ethnic nationalism). Hiện nay, ở phương
Tây thường nói đến chủ nghĩa dân tộc quốc gia (state nationalism) và chủ nghĩa
dân tộc văn hóa (cutural nationalism).
Ở Việt Nam, ý thức dân
tộc gắn liền với chủ nghĩa yêu nước, khác hẳn với chủ nghĩa dân tộc cực đoan
vốn hẹp hòi, ích kỷ, mù quáng. Ý thức dân tộc cũng như chủ nghĩa yêu nước ở
Việt Nam hiện nay, với truyền thống hòa hiếu, hòa hợp hàng nghìn năm, lại trải
qua sự hòa quyện trong tinh thần quốc tế vô sản gần 100 năm qua, đã trở thành ý
thức dân tộc hòa bình, luôn gắn kết Tổ quốc với các nước láng giềng và thế
giới, gắn kết dân tộc với nhân loại, cùng chia sẻ và cùng chịu trách nhiệm.
Ý thức dân tộc Việt Nam có một số đặc trưng cơ bản sau: Một là, ý thức dân tộc Việt Nam được hình thành qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước, sự gắn bó qua các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm đã góp phần tôi luyện nên một cộng đồng dân tộc có ý thức mãnh liệt về chủ quyền quốc gia, bản sắc văn hóa và quyền tự quyết dân tộc. Hai là, ý thức dân tộc Việt Nam đã dần vượt khỏi ý thức của một dân tộc cụ thể trong 54 dân tộc, hòa quyện với nhau thành ý thức của cộng đồng đa dân tộc, hay nói chính xác hơn là ý thức của quốc gia dân tộc. Ba là, ý thức dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với giao lưu đa văn hóa. Ý thức dân tộc Việt Nam do cộng đồng 54 dân tộc anh em cùng vun đắp, tương tự lịch sử Việt Nam là lịch sử được viết bởi 54 dân tộc anh em. Bốn là, ý thức dân tộc Việt Nam có chung số phận, cùng chia sẻ quá khứ, hiện tại và tương lai. Nói cách khác, đó là ý thức dân tộc cộng đồng, cộng cảm, cộng mệnh.
Ý thức dân tộc không thể hình thành từ vũ lực hay từ sức ép bên ngoài, mà được hình thành một cách tự nhiên từ bên trong một tộc người hoặc trong một dân tộc có nhiều tộc người
Trả lờiXóa