Thứ Tư, 20 tháng 4, 2022

LỊCH SỬ LÀ KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN

Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 15 năm đấu tranh cách mạng đầy gian khó "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" để giành lại độc lập, tự do từ tay phát xít Nhật và thực dân Pháp (1930-1945); trong hai cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ để bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được cũng đồng thời là 30 năm đầy hy sinh, đau thương, mất mát đã giúp cho mỗi người dân Việt Nam yêu nước chân chính hiểu sâu sắc hơn, trân trọng hơn giá trị của một đất nước Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất; nhân dân Việt Nam được sống trong bình yên, hạnh phúc kể từ sau khi Tổ quốc thống nhất.

Trong hành trình đấu tranh cho một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đó, đồng bào miền Bắc, hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã làm hết sức mình để chi viện cho miền Nam ruột thịt. Và cũng trong những năm tháng đầy hy sinh oanh liệt đó, đã có biết bao cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và người dân Việt Nam không tiếc máu xương của mình để hiến dâng cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Máu xương của họ đã hóa thành hồn thiêng sông núi. Mỗi tấc đất trên đất nước này đều thấm máu của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước và chính sự hy sinh cao cả của mỗi người "đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chứ không phải là "miền Bắc vào thống trị miền Nam" như các thế lực thù địch kích động lòng dân, bẻ cong sự thật!.

Lịch sử cuộc chiến tranh nhân dân của nhân dân Việt Nam để thực hiện khát vọng về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đã được minh định.

Trên những chặng đường lịch sử ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối chính trị phù hợp; với phương pháp lãnh đạo đúng đắn đã huy động và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để làm nên thắng lợi cuối cùng. Vì thế, đó là cuộc chiến đấu chính nghĩa của cả một dân tộc cho tương lai; là sự hy sinh vô bờ bến của đồng bào và chiến sĩ cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, chứ đó không phải là "Hà Nội quyết định tiến hành chiến tranh giữa miền Bắc và miền Nam" nhằm gây ra "nội chiến kéo dài đến năm 1975, gây ra nhiều đổ vỡ cho đất nước và người dân" như các thế lực thù địch bôi đen, bịa đặt.

Đặc biệt, khi cả nước thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, khi khát vọng về một đất nước Việt Nam "non sông liền một dải" đã trở thành hiện thực; khi những hồi ức "ngày Bắc đêm Nam", "kẻ Bắc người Nam" đã trở thành quá khứ và đi liền cùng đó, chế độ Việt Nam cộng hòa thân Mỹ cũng không còn hiện diện thì những kẻ luôn bị "ám ảnh bởi bóng ma quá khứ" đã không chỉ điên cuồng xuyên tạc về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà còn công kích, bôi đen sự thật vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Sự thật là, sau khi cả nước thống nhất, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội thì hòa bình, độc lập, tự do và một đất nước Việt Nam khởi sắc, ngày một phát triển sau 30 năm chiến tranh tàn khốc đã mang lại cho mỗi người dân trên mọi miền của Tổ quốc một đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn. Sự thật cũng là, hòa hợp, hòa giải dân tộc luôn là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước, được khẳng định từ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (năm 1930) đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 2013 và trong hệ thống pháp luật Việt Nam, không chỉ được nhân dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế công nhận.

Sự thật còn là, dù tiếp cận từ phương diện lý luận hay thực tiễn cuộc sống, thì vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc nói chung, sau năm 1975 nói riêng ở Việt Nam cũng được triển khai nghiêm túc. Đặc biệt, theo đúng tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về "Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” và Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới", việc đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, xoá bỏ mặc cảm, định kiến; đồng thời, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc giữa mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài… để cùng hướng tới tương lai đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực tế, Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành chức năng không chỉ quan tâm mà còn nỗ lực đề ra các giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong tư tưởng trên tinh thần cởi mở, chân thành, kiên trì vận động, thuyết phục những người còn giữ định kiến, mặc cảm để khép lại quá khứ, hướng tới tương lai; thông qua việc đa dạng hoá và nâng cao hiệu quả các hình thức tập hợp, vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ; mở rộng vận động, tiếp xúc những cá nhân có uy tín, ảnh hưởng lớn trong cộng đồng…

Hằng năm, những chương trình Xuân Quê hương- đón yêu thương trong vòng tay Đất mẹ có biết bao người đã từng rời Tổ quốc ra đi lại trở về; đã từng có biết bao người vì hiểu sai mà muốn chống phá Đảng, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân lại trở về trong tình thương yêu, bao dung của Tổ quốc và nhân dân, mà một trong số đó chính là luật sư người Mỹ gốc Việt Hoàng Duy Hùng. Câu chuyện về luật sư Hùng, hành trình hiểu ra sự thật và trở về Tổ quốc của ông là một minh chứng sinh động nhất bác bỏ mọi sự xuyên tạc của những kẻ phản động, cơ hội theo đuôi các thế lực thù địch xuyên tạc, bẻ cong, kích động vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc ở Việt Nam.

Cuối cùng, phải khẳng định rằng, mỗi quốc gia đều có quyền lựa chọn con đường đi của dân tộc mình. Với Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên trì đấu tranh cho một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là mục tiêu nhất quán, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta từ mùa Xuân năm 1930. Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là kiên định một hành trình đi đến tương lai tươi sáng, song rất khó khăn và gian khổ. Tuy nhiên, với mỗi người dân Việt Nam yêu nước chân chính thì tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng nhau đoàn kết muôn người như một trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đồng lòng đi theo Đảng để hướng tới tương lai luôn là niềm tin son sắt trong trái tim và khối óc của mình, bất chấp sự chống phá điên cuồng, bẫy "dân chủ cuội", "nhân quyền dạo", "lái vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc sang hòa hợp với những người bất đồng chính kiến" của các thế lực thù địch!

1 nhận xét:

  1. Lịch sử cuộc chiến tranh nhân dân của nhân dân Việt Nam để thực hiện khát vọng về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ

    Trả lờiXóa