Thứ Hai, 16 tháng 11, 2020

BẢO VỆ CHÍNH TRỊ NỘI BỘ TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo vệ chính trị nội bộ hiện nay là bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; bảo vệ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; bảo vệ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ cán bộ, đảng viên về mặt chính trị; gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các đảng bộ trực thuộc Trung ương đã tổ chức đại hội đảng cấp cơ sở, cấp trên cơ sở và đang chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu đảng bộ trực thuộc Trung ương. Quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng các cấp, công tác bảo vệ chính trị nội bộ đã được cấp ủy quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ bí mật, giữ vững an ninh, an toàn đại hội.

Thời gian qua, khi chúng ta chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các đối tượng xấu tập trung chống phá nội bộ ta, hướng vào hai chủ đề cơ bản là văn kiện và nhân sự với những luận điệu rất nguy hiểm nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Các đối tượng tập trung tấn công vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là nền tảng tư tưởng của Đảng, tung ra đủ thứ lý luận phê phán cương lĩnh của Đảng, các nội dung trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, nhất là những điểm mới so với các kỳ Đại hội trước, vấn đề “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, mục tiêu, quan điểm phát triển, các giải pháp đột phá; xuyên tạc tình hình đất nước, thổi phồng những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội rồi quy kết là do thể chế chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng, từ đó đòi đi tìm cái gọi là “chủ thuyết mới” để phát triển, thay đổi đường lối phát triển đất nước "một cách kiên quyết nhưng ôn hòa”, theo mô hình “nhà nước phúc lợi xã hội” như ở một số nước Bắc Âu.

Về nhân sự, các đối tượng tập trung phê phán quy chế bầu cử trong Đảng, xuyên tạc công tác cán bộ của Đảng, cho rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ thực chất chỉ là “đấu đá nội bộ”,... Chúng dựng lên những câu chuyện theo kiểu “thông tin nội bộ” nhằm gây nhiễu loạn thông tin. Lợi dụng, khoét sâu những bức xúc của cán bộ, đảng viên, nhân dân trước tình trạng một bộ phận cán bộ lãnh đạo các cấp tham nhũng, tiêu cực, những bất cập trong công tác cán bộ ở một số địa phương để suy diễn, quy chụp, hòng làm mất lòng tin trong nhân dân vào đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước.

Những luận điệu trên của các đối tượng không mới nhưng lại được phát tán hàng ngày, hàng giờ trên không gian mạng với những kỹ xảo tinh vi của công nghệ, lại được sự a dua của một số đảng viên thoái hóa, biến chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, với danh nghĩa “góp ý”, “kiến nghị trách nhiệm, tâm huyết với Đảng, Nhà nước” nên hết sức độc hại, gieo rắc hoang mang, nghi ngờ, phân tâm trong nội bộ, trong nhân dân. Một số người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên do thiếu bản lĩnh chính trị, nhận thức chưa thấu đáo nên đã chia sẻ, bình luận làm thông tin xấu, độc có cơ hội phát tán trên không gian mạng.

Trong khi đó, một số cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện mâu thuẫn, mất đoàn kết, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ dẫn đến xuất hiện tư tưởng băn khoăn, thiếu tin tưởng trong cán bộ, đảng viên.

Mặt khác, vẫn còn tình trạng lợi dụng quá trình chuẩn bị Đại hội để phát tán đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan cán bộ lãnh đạo chủ chốt, gây ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy. Việc định hướng thông tin, dư luận xã hội nhiều lúc, nhiều nơi còn bị động, lúng túng, nhất là trên không gian mạng. Công tác đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch chưa kịp thời, một số bài viết mang nặng tính lý luận, “khó đọc” nên khó tiếp cận với đông đảo quần chúng.

2 nhận xét:

  1. Bọn phản động thường dùng mọi thủ đoạn để xuyên tạc, bóp méo sự thật; nhằm mục đích chống phá Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy chúng ta phải đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, phản động của chúng.

    Trả lờiXóa
  2. Chúng ta phải nhận diện được âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, chỉ rõ những phương thức chống phá của chúng; đồng thời nâng cao sức đề kháng cho cán bộ đảng viên và người dân để chống lại luận điệu xuyên tạc của chúng.

    Trả lờiXóa