Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

DI SẢN VỀ TRÍ TUỆ CỦA PH.ĂNGGHEN TRONG VIỆC XÂY DỰNG LÝ LUẬN CỦA GIAI CẤP VÔ SẢN

V.I.Lênin đã chỉ ra rằng: “Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền Các Mác với Phri-đrich Ăng-ghen thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ. Cho nên muốn hiểu Phri-đrich Ăng-ghen đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của Mác đối với sự phát triển của phong trào công nhân hiện đại”. Trong lĩnh vực này, Ph.Ăngghen là người đã cùng C.Mác và độc lập với C.Mác xây dựng thành công cả ba bộ phận cấu thành lý luận của giai cấp vô sản, gồm: triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học.

Về triết học, triết học do C.Mác và Ph.Ăngghen xây dựng là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử

Với chủ nghĩa duy vật biện chứng, ngoài những tác phẩm viết chung với C.Mác, những tác phẩm Ph.Ăngghen viết độc lập như “Chống Đuyrinh”, “Biện chứng của tự nhiên”, “Lút vích Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức”, v.v. đã để lại dấu ấn vô cùng sâu sắc về thế giới quan duy vật biện chứng khi Ông khẳng định: Chỉ có một thế giới duy nhất là thế giới vật chất; thế giới thống nhất ở tính vật chất; vận động, không gian, thời gian là những phương thức tồn tại của vật chất; mọi vận động trong thế giới vật chất đều tuân theo những quy luật chung nhất, vốn có của nó như “Quy luật về sự chuyển hóa từ số lượng thành chất lượng và ngược lại”, “Quy luật về sự xâm nhập lẫn nhau của các mặt đối lập”, “Quy luật về sự phủ định của phủ định”, v.v.  Ph.Ăngghen cũng là người đầu tiên đã vận dụng những quy luật này vào việc nhận thức sự vận động của giới tự nhiên, luận giải rõ mối quan hệ biện chứng giữa tự nhiên - con người - xã hội…

Với chủ nghĩa duy vật lịch sử, tác phẩm “Lược khảo phê phán khoa kinh tế chính trị” - công trình lớn đầu tiên của Ph.Ăngghen về kinh tế được viết trong năm 1843 và đầu năm 1844 - giữ vai trò rất quan trọng đối với quá trình hình thành chủ nghĩa duy vật lịch sử. Trong tác phẩm này, ngoài việc phê phán các nhà kinh tế học tư sản, Ph.Ăngghen đã nhìn nhận sâu sắc cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh, nội dung kinh tế và ảnh hưởng xã hội của nó. Tác phẩm cung cấp nhiều tư liệu quan trọng cho “Hệ tư tưởng Đức”, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị - Lời tựa” và một số tác phẩm khác của C.Mác và Ph.Ăngghen sau này; trong đó “Hệ tư tưởng Đức” là tác phẩm viết chung của hai Ông, thể hiện những quan điểm duy vật mang tính nền tảng cho việc nhận thức lịch sử - xã hội. Theo đó, sản xuất vật chất là cơ sở quyết định sự tồn tại của xã hội và tổng thể những lực lượng sản xuất mà con người đạt được quyết định trạng thái của xã hội; không phải ý thức quyết định đời sống của con người mà chính đời sống của con người quyết định ý thức của họ… Những tư liệu này được C.Mác hệ thống, khái quát thành tư tưởng cơ bản nhất quan điểm duy vật về lịch sử, thể hiện trong tác phẩm “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị - Lời tựa” của Ông là: Sản xuất vật chất quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội, sự phát triển này là quá trình lịch sử - tự nhiên, tuân theo những quy luật khách quan, trong đó trước hết và quan trọng nhất là quy luật về lực lượng sản xuất - quan hệ sản xuất, quy luật về cơ sở hạ tầng - kiến trúc thượng tầng.

Sự hình thành và phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử đã xác lập một thế giới quan khoa học và một phương pháp luận khoa học, nó không chỉ giải thích thế giới mà còn là công cụ định hướng cho con người cải tạo thế giới.

Về kinh tế chính trị, Ăngghen đã cùng Các Mác xây dựng lên một học thuyết kinh tế mới, đem lại một cuộc cách mạng trong kinh tế học chính trị.

Từ những tác phẩm đầu tay của mình như “Lược khảo phê phán khoa kinh tế chính trị”, “Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh” cùng nhiều bài viết khác, Ph.Ăngghen đã vạch rõ sự khốn cùng của người lao động, kịch liệt phê phán kinh tế chính trị tư sản biện hộ cho hệ thống tư bản chủ nghĩa, từ đó Ông chỉ ra nguyên nhân sâu xa của những bất bình đẳng, bất công xã hội, nguyên nhân sâu xa của sự khốn cùng mà giai cấp công nhân và người lao động đang gánh chịu là chế độ sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, nhất là chế độ sở hữu tư sản. Chính những phát hiện ban đầu mang tính khoa học này của Ph.Ăngghen đã gợi mở cho Các Mác một hướng nghiên cứu mới về xã hội tư bản chủ nghĩa - hướng nghiên cứu chuyển từ triết học và luật học sang nghiên cứu kinh tế chính trị. Đúng như V.I.Lênin đã  nhận định: “Rõ ràng là mối quan hệ với Ăngghen đã thúc đẩy Mác bắt tay vào nghiên cứu chính trị kinh tế học, là khoa học trong đó những tác phẩm của Mác đã gây ra cả một cuộc cách mạng”. Cuộc cách mạng mà V.I.Lênin đề cập đến là sự ra đời của Học thuyết giá trị thặng dư - Học thuyết được coi là “hòn đá tảng” trong toàn bộ lý luận về kinh tế chính trị của C.Mác vì nó đã phát hiện ra quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản, làm sáng tỏ bản chất của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Về chủ nghĩa xã hội khoa học - lĩnh vực “thể hiện về mặt lý luận của phong trào vô sản” được V.I.Lênin khái quát: “Có thể vắn tắt nêu công lao của Mác và Ăngghen đối với giai cấp công nhân như sau: hai Ông đã dạy cho công nhân tự nhận thức được mình và có ý thức về mình, và đã đem khoa học thay thế cho mộng tưởng”. Ngay trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” - văn kiện cương lĩnh đầu tiên của chủ nghĩa cộng sản khoa học do C.Mác và Ph.Ăngghen viết được công bố vào đầu năm 1848, C.Mác và Ph.Ăngghen đã làm sáng tỏ những quy luật phát triển của xã hội dẫn đến sự thay thế nhau của các phương thức sản xuất để luận chứng cho sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa tư bản, chỉ rõ những con đường xây dựng chế độ xã hội mới là chủ nghĩa cộng sản. Cũng trong chương này, các tác giả đã giải thích sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản với tư cách là lực lượng thực hiện cuộc cách mạng xã hội, để “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”.

Với bản thân Ph.Ăngghen, có thể nói suốt cả cuộc đời, Ph.Ăngghen đã gắn bó chặt chẽ với giai cấp công nhân và phong trào công nhân từ tri thức, sự cảm thông, tấm lòng trung thành vô hạn và từ lập trường kiên định cách mạng của mình. Ngay cả khi ở trung tâm công nghiệp của Anh là Mansetxtơ, nơi Ph.Ăngghen đến một hãng buôn mà cha Ông có cổ phần, Ph.Ăngghen cũng không phải chỉ làm việc ở văn phòng mà Ông còn thường xuyên đi vào các khu phố bẩn thỉu - nơi công nhân sống chen chúc, thấy tận mắt sự khốn cùng và những nỗi khổ đau của họ.. Những chuyến đi này giúp Ph.Ăngghen trực tiếp nhận thấy nhu cầu bức thiết của một giai cấp bị áp bức, bị bóc lột tàn bạo nhất trong chủ nghĩa tư bản và phát hiện ra sức mạnh to lớn ở giai cấp này với tư cách là một một lực lượng xã hội đóng vai trò chủ đạo thực hiện cuộc cách mạng xóa bỏ mọi sự áp bức bóc lột, xây dựng một xã hội mới vì sự phát triển của con người. Trong tác phẩm “Chống Đuyrinh”, Ph.Ăngghen chỉ rõ: “phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tạo ra một lực lượng bị buộc phải hoàn thành cuộc cách mạng ấy, nếu không sẽ bị diệt vong”, “Thực hiện sự nghiệp giải phóng thế giới …, - đó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản hiện đại”.

Nhìn nhận quá trình hình thành và phát triển của chủ nghĩa xã hội khoa học, V.I.Lênin khẳng định: “Ăngghen là người đầu tiên đã nói rằng giai cấp vô sản không phải chỉ là giai cấp đau khổ, rằng chính địa vị kinh tế nhục nhã của giai cấp vô sản thúc đẩy, một cách không gì ngăn cản nổi, nó tiến lên và buộc nó phải đấu tranh cho sự giải phóng cuối cùng của nó. Và giai cấp vô sản đấu tranh sẽ tự mình giúp bản thân mình. Phong trào chính trị của giai cấp công nhân nhất định sẽ dẫn công nhân đến chỗ hiểu rằng đối với họ, không có lối thoát nào khác hơn là chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, chủ nghĩa xã hội chỉ sẽ là một sức mạnh, khi nó đã trở thành mục tiêu đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân. Đó là những tư tưởng chủ chốt trong cuốn sách của Ăngghen viết về tình cảnh của giai cấp công nhân ở Anh”.

Có thể khẳng định rằng: Kho tàng lý luận định hướng cho giai cấp vô sản nhận thức và hoạt động được hình thành và phát triển trong thế kỷ XIX in rất đậm dấu ấn trí tuệ và tình cảm của Ph.Ăngghen, kể cả trong triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học. Nghiên cứu toàn bộ kho tàng lý luận ấy, V.I.Lênin đã nhận định: Sau C.Mác, không ai khác, Ăngghen chính là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh.

1 nhận xét: