Thứ Hai, 16 tháng 11, 2020

ĐOÀN KẾT TÔN GIÁO – CHỦ TRƯƠNG XUYÊN SUỐT VÀ NHẤT QUÁN CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA

Sinh thời, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến đồng thuận và đoàn kết, theo Người: "Dân ta xin nhớ chữ đồng: đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh"; "Biết đồng sức, Biết đồng lòng. Việc gì khó làm cũng xong", "Sử ta dạy ta bài học này: Lúc nào dân tộc ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn".

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Đảng Cộng sản Việt Nam, 90 năm lãnh đạo đất nước, đều thống nhất quan điểm là phải xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp, tôn giáo. Tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc. Đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Việt Nam là quốc gia đa dạng về tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa. Mỗi một tộc người có một niềm tin, tín ngưỡng và cách bày tỏ đức tin khác nhau. Như vậy, trên lý thuyết, để có được sự đồng thuận, đoàn kết tôn giáo là khó khăn. Song, thực tiễn ở Việt Nam, đoàn kết tôn giáo là một truyền thống rất tự nhiên, rất tập tục thể hiện trên các điểm sau: tín đồ của tôn giáo này có thể thực hiện hành vi cúng lễ của các tôn giáo khác. Người Việt vừa có thể đến chùa lễ Phật, vừa đến đền lễ Thánh, đến phủ lễ Mẫu... Tín đồ tôn giáo vừa có thể tham gia những buổi lễ trọng của tôn giáo mình nhưng vẫn có thể tham gia các lễ hội dân gian, thành kính cúng lễ trước các Thánh, Thần hay tri ân những người hy sinh vì dân vì nước.

Mặc dù, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt là đa phương, nhiều chiều, trong một làng, một xã có thể có nhiều vị thần hoàng làng và thần làng nào làng ấy thờ, thánh làng nào làng ấy cúng, nhưng mọi thánh thần “chung sống” cạnh nhau, đều bình đẳng, cùng đồng tôn, không xung đột, mâu thuẫn hay phân kháng. Tín đồ khác đạo vẫn cùng nhau chung lưng đấu cật xây dựng quê hương đất nước.

Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo của Giê su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết”.

Hồ Chí Minh nói như vậy có nghĩa, Phật Thích Ca, Khổng Tử hay Giê su đều là các bậc đại trí của xã hội đương thời khi đó, học thuyết của họ đều chủ trương xây dựng một xã hội đại đồng không còn áp bức, lý tưởng của họ đều muốn giải thoát chúng sinh, mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại.

Xét cho đến cùng, mục tiêu và lý tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tôn giáo là như nhau, chỉ khác nhau ở con đường và cách thức hành động để đạt đến mục tiêu đó. Người vô thần hay người tôn giáo đều giống nhau trong thái độ và nghĩa vụ trước các vấn đề của cuộc sống, đều khát khao một cuộc sống yên bình, có khác chăng là ở cách thức biểu đạt mà thôi.  

Ở Việt Nam, chưa lúc nào, người cộng sản chủ trương tiêu cực về tôn giáo. Thời kỳ đầu khi mới thành lập Đảng Cộng sản, quan điểm tả khuynh về tôn giáo của Quốc tế Cộng sản, của nước Nga Xô Viết (những đầu thế kỷ XX) đã ảnh hưởng rất mạnh đến nhận thức và chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Không khí đấu tranh về đảng phái, về tư tưởng, về lập trường giai cấp ở Việt Nam cũng khá gay gắt. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân nhìn nhận về tôn giáo thuần tuý từ góc độ chính trị, hiểu một cách nông cạn tôn giáo là sai lầm, lạc hậu, mê tín. Người dân theo tôn giáo do chịu ảnh hưởng của thế giới quan duy tâm và hữu thần nên dễ bị mê muội.

Tuy nhiên, những năm 30, 40 của thế kỷ XX, Lê Hồng Phong, Tr­ường Chinh với tư cách là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương đã có nhiều bài viết đả phá những quan điểm, nhận thức lệch lạc về tôn giáo khi đó.

Trong tập sách Gốc rễ của tôn giáo được viết năm 1933, Lê Hồng Phong (bút danh Hải An) đã phủ định thẳng thừng và trực diện các quan điểm, nhận định như “Nếu không thủ tiêu tôn giáo trong quần chúng thì cách mạng không thể thắng lợi được”, hay “tín đồ tôn giáo phần lớn đi theo chủ nghĩa đế quốc”.

Năm 1946, với bài viết Đánh đổ khuynh hư­ớng sai lầm. Đừng xâm phạm tới tín ng­ưỡng của dân, Trường Chinh chỉ rõ, ngư­ời mác xít tuy không cổ súy những hủ tục, nhưng vấn đề là phải “giáo dục cho dân biết tại sao mê tín là sai, hủ tục là dở. Và dù vậy cũng không thể hấp tấp cấm đoán. Nếu vì cải cách phong tục và tôn giáo mà chia gây chia rẽ nhân dân hoặc làm cho dân hiểu lầm cách mạng, oán ghét chính quyền mới, thì đó là một tội không thể tha thứ đ­ược”.

Hồ Chí Minh thì nhắc lại nhiều lần, Việt Minh (tức người cộng sản) không bao giờ chống đạo hay phản đối tôn giáo, sự xích mích nhỏ giữa đồng bào có đạo và không có đạo là vì đạo đức giáo hóa chưa được phổ cập, không ảnh hưởng đến sự đại đoàn kết của dân tộc.

Hiến pháp đã quy định, tín ngưỡng tự do, ai khiêu khích tôn giáo là làm sai Hiến pháp sẽ bị xử phạt. Người cộng sản cũng không chủ trương phế bỏ tôn giáo và các yếu tố thờ cúng của nó. Người Cộng sản làm cách mạng, đấu tranh chống kẻ thù là để đem lại độc lập tự do cho nước nhà, cũng là để cho văn hóa, chính trị, kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo đều được phát triển tự do.

Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam dù tuyên bố theo chủ nghĩa duy vật và vô thần nhưng trong các văn kiện của Đảng, các văn bản pháp quy về tôn giáo của Nhà nước vẫn ghi nhận những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của tôn giáo. Thậm chí khẳng định sự tồn tại lâu dài và tương đồng về lý tưởng của tôn giáo với chủ nghĩa xã hội “Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”.

Từ trước cho đến nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn tin dùng những vị Bộ trưởng là trí thức tôn giáo như Nguyễn Mạnh Hà, Ngô Tử Hạ, Vũ Đình Tụng. Mời các chức sắc Công giáo như giám mục Lê Hữu Từ, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn làm cố vấn tối cao cho Chính phủ (1945), Linh mục Phạm Bá Trực làm Phó ban Thường trực Quốc hội (năm 1946), ông Cao Triều Phát (chủ tịch Hội Cao Đài cứu quốc 12 phái hiệp nhất) làm Cố vấn Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ.

Rất nhiều chức sắc các tôn giáo hiện nay tham gia đại biểu Quốc Hội và Hội đồng nhân dân các cấp như: Hòa Thượng Thích Chơn Thiện, Hòa Thượng Thích Thạch Huôi, Thượng tọa Thích Bảo nghiêm, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Linh mục Trần Mạnh Cường, Linh mục Lê Ngọc Hoàn, Nguyễn Tấn Đạt (Phó Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo), Trần Văn Huynh (Chánh phối sư, Chánh Hội trưởng Ban Cai quản Cao Đài Bạch Y)…

2 nhận xét:

  1. Đoàn kết sẽ mang lại sức mạnh tổng hợp

    Trả lờiXóa
  2. Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam dù tuyên bố theo chủ nghĩa duy vật và vô thần nhưng trong các văn kiện của Đảng, các văn bản pháp quy về tôn giáo của Nhà nước vẫn ghi nhận những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của tôn giáo.

    Trả lờiXóa