Thứ Tư, 11 tháng 11, 2020

TINH THẦN NHÂN VĂN VIỆT NAM TRONG PHÒNG CHỐNG, KHẮC PHỤ HẬU QUẢ CỦA THIÊN TAI, ĐỊCH HỌA

Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, bão chồng bão, lũ chồng lũ đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung, tinh thần nhân văn của con người Việt Nam không ngừng được lan toả trong công tác ứng phó và giải quyết hậu quả của bão lũ.

Năm 2020 quả là một năm đầy biến động với thế giới và cả với Việt Nam. Đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp ở nhiều nước, đẩy kinh tế thế giới rơi vào suy thoái và tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Ở Việt Nam, sau những nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tình hình dịch bệnh vừa mới tạm thời được khống chế thì tháng 10 vừa qua, chúng ta lại phải gánh chịu những mất mát to lớn do tình hình bão lũ nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh thiên tai, địch hoạ, chúng ta càng thấy rõ hơn tinh thần nhân văn, tương thân tương ái của đất nước và con người Việt Nam, những điều mà không phải dễ dàng tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên hành tinh này, cho dù đó là quốc gia có nền kinh tế phát triển.

Trước hết, có thể nhận thấy, đại dịch Covid-19 hiện nay phản ánh những khía cạnh sâu xa của phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng xã hội ở Mỹ cũng như nhiều nước phương Tây, mà trực tiếp nhất là bất bình đẳng trong thụ hưởng dịch vụ chăm sóc y tế. Người nhập cư, người nước ngoài chính là cộng đồng yếu thế, dễ bị tổn thương và chịu rủi ro cao nhất trong bối cảnh khủng hoảng, dịch bệnh.Thống kê ban đầu cho thấy người Mỹ gốc Phi là những người nghèo nhất và ít được nhận chăm sóc y tế nhất. Họ cũng chiếm tỷ lệ nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong cao nhất trong dịch Covid-19. Tính chung, gần 1/3 số người đã chết ở Mỹ là người da đen, cao hơn nhiều so với tỷ lệ người da màu trong dân số là 13%.

Dịch Covid-19 đã khiến nhiều cộng đồng người Mỹ gốc Phi rơi vào tình trạng đặc biệt kiệt quệ. Đáng nói là nhiều người đã bị từ chối hoặc không có điều kiện được xét nghiệm, khám chữa bệnh. Hơn nữa, người lao động trong những ngành nghề được trả lương thấp chủ yếu là những người da màu. Công việc của họ thường là tài xế chở hàng, nhân viên bệnh viện, thu ngân cửa hàng,… những công việc khiến họ dễ “bị phơi nhiễm” với những mối nguy hiểm hơn so với người da trắng; đồng thời cũng dễ dàng bị mất việc trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế vì dịch bệnh. Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 đang tác động tới những người da đen nặng nề hơn nhiều so với người da trắng ở Mỹ. Trong bối cảnh ấy, cái chết của người đàn ông da đen George Floyd do bị viên cảnh sát da trắng ghì cổ khống chế vào ngày 25/5/2020 ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota như giọt nước tràn li, làm khuấy lên làn sóng biểu tình trên khắp nước Mỹ. Một lần nữa, trong đại dịch Covid-19 người ta lại thấy rõ hơn rằng sự phân biệt chủng tộc là vấn đề chưa bao giờ thôi nhức nhối ở xứ cờ hoa.

Trong khi đó, ở Việt Nam, với tinh thần “con người là trên hết”, vì sức khoẻ và tính mạng của con người, quyết “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng và Nhà nước Việt Nam sẵn sàng đón nhận và hết lòng cứu chữa cho tất cả mọi người, dù là người giàu hay nghèo, trẻ khoẻ hay già yếu, đồng bào trong nước hay kiều bào ở vùng dịch mong muốn trở về nước, dù là người Việt Nam hay người nước ngoài, thậm chí chỉ là khách du lịch, tất cả đều được quan tâm chăm lo.

Trong số các ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay, rất nhiều ca là người nước ngoài và hiện đã có nhiều trường hợp được điều trị khỏi, trở về quê nhà an toàn.Nhiều người nước ngoài sau khi khỏi bệnh đã bày tỏ lòng cảm kích, biết ơn đối với sự cứu chữa tận tình của các y bác sĩ Việt Nam và ngưỡng mộ tinh thần nhân văn của một đất nước dù còn nghèo, nguồn lực còn hạn chế, trình độ y tế có thể chưa cao bằng nhiều nước, nhưng đã sẵn lòng dang tay với tất cả những người cần giúp đỡ và quyết tâm cứu chữa bệnh nhân, bất kể người đó là ai.

Đặc biệt, các bệnh nhân người nước ngoài, trong đó có các ca diễn biến rất nặng, hoặc có bệnh nền, điều trị phức tạp, nhưng các bác sĩ của chúng ta đều dành tối đa điều kiện để cứu chữa, chăm sóc (điển hình là trường hợp bệnh nhân số 91 là một minh chứng sống động nhất.

Chính trong đại dịch, bản chất của Nhà nước và tính nhân văn của dân tộc Việt Nam lại được lan toả. Bản chất ưu việt của một Nhà nước xã hội chủ nghĩa được thể hiện rõ nét, đó là một nhà nước thực sự vì con người, bảo vệ con người, đặt con người lên trên hết, không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo, hay địa vị xã hội.

Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của thiên tai, bão chồng bão, lũ chồng lũ đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng tại miền Trung, thìtinh thần nhân văn của con người Việt Nam lại tiếp tục được lan toả trong công tác ứng phó và giải quyết hậu quả của bão lũ.

Những ngày qua, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách để cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi lời chia buồn đến thân nhân các gia đình bị nạn do lũ lụt và kêu gọi cả nước chung sức, đồng lòng giúp đỡ bà con vùng lũ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi các công điện chỉ đạo, đồng thời trực tiếp cùng các đồng chí lãnh đạo về địa phương kiểm tra, thị sát tình hình, cùng triển khai các giải pháp ứng phó với bão lũ. Bộ máy chính quyền cơ sở đã được huy động tối đa, tăng cường các biện pháp cứu hộ, cứu nạn. Phong trào quyên góp, ủng hộ, cứu đói đồng bào miền Trung được phát động và nhận được sự hưởng ứng rộng rãi trong cả nước. Trên thực tế, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với nỗ lực và tinh thần đoàn kết của người dân, công tác phòng, chống bão lũ đang được các địa phương xử lý tích cực.

Trong cuộc chiến chống thiên tai, cứu hộ đồng bào, đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Những hi sinh, mất mát vô cùng thương tâm ấy, không có lời lẽ nào có thể diễn tả hết. Trong khi đó, một số đối tượng phản động lại ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Nhà nước Việt Nam bằng những thủ đoạn nham hiểm. Một số trang tin phản động ra sức đăng tải thông tin sai trái, vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam không quan tâm đến công tác phòng, chống bão lũ tại các tỉnh miền Trung, vẫn “tưng bừng tổ chức đại hội”…

Cần phải thấy rằng, việc tổ chức đại hội Đảng bộ các tỉnh trong tháng 10 này là thực hiện theo kế hoạch, lộ trình đã đề ra. Hơn nữa, trước tình hình lũ lụt lịch sử, cấp ủy, chính quyền các địa phương vừa lo tổ chức đại hội nhưng cũng đồng thời triển khai các lực lượng chức năng tham gia giúp đỡ, ứng cứu người dân với tất cả tinh thần trách nhiệm chứ không phải “lo đại hội, bỏ mặc dân” như các đối tượng rêu rao. Những gì đã và đang diễn ra trong thực tế phòng chống và khắc phục hậu quả của bão lũ ở các tỉnh miền Trung là minh chứng xác đáng cho nỗ lực, cố gắng của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đồng thời thể hiện khách quan và sinh động bản chất của chế độ xã hội cũng như của tinh thần nhân văn Việt Nam.

2 nhận xét: