Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được
công bố, nhằm lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân từ ngày 20/10 đến
10/11/2020. Việc này đang thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân
dân. Một lần nữa, tinh thần từ bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn
Phú Trọng (ngày 31/8/2020) trong bối cảnh toàn Đảng đang khẩn trương chuẩn bị Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII trong đó có công tác xây dựng văn kiện và lấy
ý kiến đóng góp của nhân dân đối với dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII,
tiếp tục thu hút sự chú ý đặc biệt của toàn xã hội.
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là lời hiệu
triệu đầy tâm huyết và trách nhiệm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước trong
thời điểm mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đất
nước ta chưa bao giờ có cơ đồ và vị thể như hôm nay. Quả đúng như vậy, trải
qua chặng đường gần 35 năm đổi mới, trong đó có 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại
hội Đảng lần thứ XII có nhiều kết quả nổi bật, đất nước đã có bước phát triển
vượt bậc trên tất cả các mặt từ kinh tế, xã hội, văn hóa tới chính trị, an
ninh, quốc phòng. Từ một đất nước nghèo nàn, đầy khó khăn trong thế bao vây, cấm
vận nay đã là một nước hội nhập, có quan hệ rộng mở, được toàn thế giới đánh
giá cao về vị thế, tiếng nói. Đời sống của nhân dân được cải thiện không ngừng,
đã vượt qua ngưỡng kém phát triển, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình.
Điều quan trọng là cùng với tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện
khẩu hiệu “bảo đảm công bằng trong từng bước phát triển”, không để ai bị bỏ lại
phía sau mà không được hưởng thụ thành quả phát triển (tỉ lệ hộ nghèo từ
58% năm 1993, 9,88% năm 2016 giảm xuống còn dưới 3% vào năm 2020).
Đặc biệt, trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát
bất ngờ và kéo dài, phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến toàn thế giới, gây khó khăn
nghiêm trọng và kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế của đất nước, nhưng Việt Nam đã
nhanh chóng kiểm soát hiệu quả, giữ được mức tăng trưởng khả quan so với các nước,
là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của thế giới năm 2020. Điều này càng chứng
tỏ sức mạnh nội lực của sự thống nhất, đoàn kết của đất nước dưới sự lãnh đạo của
Đảng, sự quản lý và điều hành nhạy bén, quyết liệt của các cấp chính quyền, sự
năng động sáng tạo của các thành phần kinh tế và toàn xã hội.
Với thời cơ, thuận lợi và thành tựu đạt được, Việt Nam
cần và có điều kiện để thực hiện khát vọng hùng cường trong một khoảng thời
gian không xa. Đó là tầm nhìn và sứ mệnh của Đảng, thể hiện trong dự
thảo các văn kiện sẽ được Đại hội XIII thông qua. Chắc chắn rằng mọi người dân
Việt Nam đều rất phấn khởi và hy vọng với tầm nhìn và mục tiêu khát vọng đến
năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Việt Nam là nước đang phát triển có
công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm
thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Tuy nhiên, bên cạnh sự tự hào, lạc quan chúng ta phải
thẳng thắn thừa nhận, vào thời điểm đầu của thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI, đất
nước vẫn còn nhiều yếu kém trên các mặt. Về kinh tế, tăng
trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng tăng trưởng còn thấp, tính tự
chủ, khả năng cạnh tranh quốc tế, khả năng chống chịu với rủi ro của nền kinh tế
chưa cao và nguy cơ tụt hậu vẫn hiện hữu.
Chúng ta còn có những vấn đề gây bức xúc khác như quản
lý tài nguyên, môi trường còn kém; chất lượng giáo dục, đào tạo còn thấp; tình
trạng quan liêu, phiền hà, tham nhũng, lãng phí còn nặng... Những yếu kém đó
do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, vừa thuộc về các cơ
quan lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước vừa thuộc về nhận thức và thói quen
của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đều đang đối
diện với những cơ hội, khó khăn, thách thức khách quan giống nhau. Đó là toàn cầu
hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, hợp tác và cạnh tranh
kinh tế quyết liệt trên phạm vi toàn cầu, biến đổi khí hậu và cả dịch bệnh bất
ngờ, các diễn biến khó đoán trong quan hệ quốc tế… Nhưng với Việt Nam, một số
khó khăn chung còn ở mức nghiêm trọng hơn, chẳng hạn Việt Nam được dự báo sẽ là
một trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng nước biển
dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu; thậm chí chúng ta còn có khó khăn riêng mà
không phải quốc gia nào cũng phải đối mặt, chẳng hạn hậu quả lâu dài của chất độc
da cam, là âm mưu và hoạt động chống phá thường xuyên, liên tục của các thế lực
thù địch...
Những yếu kém, khuyết điểm và những khó khăn, thách thức từ bên ngoài khiến cho không ít người lo lắng, thậm chí hoài nghi vào tương lai của đất nước. Với tư cách là người đứng đầu đảng cầm quyền, là người lãnh đạo đất nước, những lời tâm huyết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vào lúc này lại càng có ý nghĩa như lời hiệu triệu, kêu gọi toàn Đảng, mỗi tổ chức, đảng viên và cán bộ phải thực sự nhận thức hết trách nhiệm đối với tương lai của đất nước. Vận mệnh của Đảng gắn với vận mệnh của đất nước, nếu không đưa đất nước tiến kịp thời đại, sánh ngang với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn thì Đảng sẽ đánh mất đi vai trò lãnh đạo của mình trước dân tộc.
Văn kiện Đại hội Đảng đã được chuẩn bị rất công phu
Trả lờiXóa