Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

BẦU CỬ Ở VIỆT NAM – DÂN CHỦ VÀ TIẾN BỘ

Ngày 23/5/2021, cử tri cả nước tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (Cuộc bầu cử) thành công tốt đẹp. Đây chính là câu trả lời đanh thép phản bác luận điệu xuyên tạc về tính dân chủ, tiến bộ của bầu cử ở Việt Nam mà một số người ra sức thực hiện nhằm phục vụ những mưu đồ chính trị đen tối.

Dân chủ là một nội dung quan trọng, xuyên suốt của mục tiêu cách mạng Việt Nam; trong đó, toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do nhân dân thực hiện trực tiếp, thông qua cơ quan đại diện do nhân dân bầu ra. Cũng như các cuộc bầu cử trước, nêu cao trách nhiệm công dân, cử tri cả nước đã gửi trọn niềm tin thông qua lá phiếu bầu chọn đại biểu xứng đáng hơn trong số các đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực của Nhà nước và địa phương, làm cơ sở để Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thể chế hóa mục tiêu: “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”1. Thành công của Cuộc bầu cử một lần nữa khẳng định bầu cử ở Việt Nam là hết sức dân chủ và tiến bộ. Sự dân chủ và tiến bộ ấy được thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau:

Một là, mục đích bầu cử ở Việt Nam là nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong suốt tiến trình cách mạng. Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Hai là, bầu cử ở Việt Nam tiến hành dựa trên nguyên tắc dân chủ và tiến bộ. Bầu cử là một thiết chế để bảo đảm dân chủ, thực hành và thực thi dân chủ. Quá trình bầu cử phải được thực hiện dựa trên hệ thống những nguyên tắc căn bản, được cụ thể hóa bởi luật bầu cử của mỗi nước. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nước ta quy định bốn nguyên tắc bầu cử: “phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”.

Ba là, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân trong tiến hành công tác nhân sự cho bầu cử. Công tác nhân sự nhằm bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Đảng lãnh đạo việc giới thiệu cán bộ, đảng viên trong cơ quan, tổ chức, đơn vị ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Những người được giới thiệu đều bảo đảm tiêu chuẩn, thực sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Bốn là, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được sự hưởng ứng nhiệt thành của mọi tầng lớp nhân dân, thực sự là Ngày hội của toàn dân. Ngay từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (ngày 06/01/1946) được tổ chức trong điều kiện đất nước vô cùng khó khăn: “thù trong, giặc ngoài”, nhưng đại đa số nhân dân xúc động, tự hào tham gia bầu cử vì “... ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”4, lựa chọn những đại biểu ưu tú tham gia cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Trong thực tiễn hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, các đại biểu luôn phát huy vai trò người đại biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện tốt các chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Vì thế, trong mỗi cuộc bầu cử, mọi tầng lớp nhân dân đều phấn khởi, tin tưởng, tự do thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu. Và ngày bầu cử đã trở thành Ngày hội của toàn dân tộc Việt Nam. Đó là minh chứng sống động khẳng định sự dân chủ và tiến bộ trong bầu cử ở Việt Nam.

1 nhận xét:

  1. Ngày bầu cử đã trở thành Ngày hội của toàn dân tộc Việt Nam. Đó là minh chứng sống động khẳng định sự dân chủ và tiến bộ trong bầu cử ở Việt Nam.

    Trả lờiXóa