Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

NGƯỜI THANH NIÊN “KHÔNG TUỔI” - "ẨN SỐ" CỦA NƯỚC PHÁP

Trở lại nước Pháp vào cuối năm 1917, đầu năm 1918, chỉ một năm sau, tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc đã làm xôn xao, kinh động giới cầm quyền.

Tháng 11-1918, Chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc. Đầu năm 1919, các nước đế quốc tham gia chiến tranh họp Hội nghị ở thành phố Versailles. Ngày 18-6-1919, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Nguyễn Ái Quốc cùng với một số người Việt Nam yêu nước lúc ấy đang ở Pháp, ký tên chung vào bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị, đòi quyền tự do dân chủ cho nhân dân An Nam.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, có một người Việt Nam tuyên bố trước toàn thế giới chủ trương giành độc lập cho dân tộc mình.

Cũng từ đây, anh bị đưa vào sổ đen theo dõi. Trùm mật thám Louis Arnous được Bộ Thuộc địa giao trách nhiệm phối hợp với Bộ Nội vụ chuyên theo dõi hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp.

Ngày 6-9-1919, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Albert Sarraut đã mời Nguyễn Ái Quốc đến gặp mặt để đích thân kiểm tra lai lịch.

Ngày 20-10-1919, điện mật mã của mật thám Pháp Mông-ghi-ô ghi: “Nguyễn Ái Quốc là bí danh, có nghĩa là Nguyễn “người yêu nước”. Rất cần biết người nào trong nhóm của Phan Châu Trinh mang bí danh này. Sở Liêm phóng (tức Sở mật thám) không thể tin vào sự chính xác của tài liệu do Sở Cảnh sát đưa ra…”.

Ngày 12-12-1919, Báo cáo của Sở Cảnh sát Paris có tiêu đề: “Hồ sơ về người có tên Nguyễn Ái Quốc” nhưng chúng vẫn mơ hồ chưa biết thông tin thật sự về anh.

Phải đến đầu năm 1920, ngày 30 tháng Giêng, báo cáo của Bộ Nội vụ Pháp kết luận: “Từ cuộc điều tra về vấn đề tuyên truyền tại các Trung tâm của người Việt Nam ở Paris về phong trào đòi độc lập của Đông Dương, cho ta kết luận là linh hồn của phong trào không phải là ai khác ngoài Nguyễn Ái Quốc…”.

Điều tra về Nguyễn Ái Quốc liên tục gia tăng. Trong vài tháng đầu năm 1922, chúng đã gửi tới 300 báo cáo.

Điều kỳ lạ là qua rất nhiều điều tra, nhưng mỗi báo cáo chúng lại ghi một năm sinh khác nhau của Người, lúc thì ghi sinh năm 1892, khi lại ghi sinh năm 1894, có chỗ lại ghi sinh năm 1900… Năm 1921, trước khi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Albert Sarraut triệu tập Nguyễn Ái Quốc đến Bộ để trực tiếp tra xét lần thứ hai thì Chánh mật thám Đông Dương còn nhận báo cáo Nguyễn Ái Quốc khoảng 35 tuổi (nghĩa là sinh năm 1886)”….

Không chỉ bị đe dọa, o ép ở Pháp, ở trong nước, ngày 10-10-1929, tòa án Vinh - Nghệ An mở phiên tòa số 115 xét xử 45 chiến sĩ cách mạng, trong đó có 7 án tử hình. Biên bản phiên tòa có ghi: “Nguyễn Ái Quốc tức Nguyễn Tất Thành, 30 tuổi (nghĩa là sinh năm 1899), lưu vong. Án do tòa án tỉnh đề nghị là tử hình, án do Viện cơ mật đề nghị là khổ sai chung thân”. Kèm theo đó là lời phê của Khâm sứ Trung Kỳ: “Sẽ xét xử ngay sau khi bị bắt”...

Dẫu như vậy, nhưng với những cảm nhận khách quan, sâu sắc về Người, trùm mật thám Pháp chuyên theo dõi người Việt Nam ở Pháp Arnous đã nhận xét: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt cây chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”.

1 nhận xét: