Về động lực, nguồn lực của
đổi mới. Nếu quan niệm động lực, nguồn lực là những yếu tố tạo nên sức mạnh
thúc đẩy sự phát triển, thì động lực của đổi mới bao gồm nhiều yếu tố có thể nhận
biết được.
Một là, yếu tố khơi nguồn
động lực của đổi mới chính là việc định hướng, phát động đúng thời điểm. Chúng
ta xác định đổi mới phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là định hướng
đúng vừa hợp thời, hợp quy luật, hợp lòng dân, vừa có sự chắc chắn, vững tin.
Chuẩn bị kỹ và phát động đổi mới đúng lúc, đồng thời với mở cửa hội nhập nên
chúng ta luôn chủ động, sáng tạo trong mọi tình huống. Do vậy, chúng ta đứng vững
và phát triển trong khi cải tổ, cải cách ở Liên Xô và Đông Âu bị thất bại.
Hai là, những thành quả của
sự nghiệp đổi mới 35 năm qua tiếp thêm luồng sinh khí mới, tăng thêm động lực,
tạo cho đất nước ta thế mới, lực mới, gia tốc mới. Thế mới, lực mới là tổng hợp
những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, là kết quả của việc phát triển mọi
mặt với sự thông thoáng trong nước và mở rộng quan hệ hợp tác với bên ngoài.
Gia tốc mới là khả năng vượt trội, là độ tăng trưởng liên tục ở mức khá cao, tạo
đà cho giai đoạn kế tiếp. Thế, lực, gia tốc mới tạo ra tầm vóc và khả năng mới
của đất nước. Đó không chỉ là khả năng đất nước vươn tầm mà còn là năng lực mới
mạnh mẽ để tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp đổi mới phát triển.
Ba là, yếu tố quyết định
là động lực và những nguồn lực trong nước. Động lực quan trọng phục vụ và thúc
đẩy công cuộc đổi mới là tổng hợp các nguồn lực trong nước, bao gồm không chỉ
có vốn, tài sản đã tích lũy được mà còn là tài nguyên chưa đưa vào sử dụng, là
lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị và quan trọng hơn hết là nguồn lực con
người, bao gồm cả sức lao động trí tuệ và tinh thần gắn với truyền thống văn
hóa dân tộc. Trong các nguồn lực đó, nguồn lực về tài nguyên là khá phong phú;
nguồn lực về đất đai, vị trí địa lý là khá thuận lợi; nguồn lực về truyền thống
là sâu sắc, đặc thù; nguồn lực về con người và trí tuệ vô cùng to lớn.
Bốn là, những nguồn lực từ
bên ngoài là yếu tố quan trọng; nếu biết cách tranh thủ sẽ tạo nên động lực cho
công cuộc đổi mới đất nước. Nguồn lực bên ngoài bao gồm: vốn, kỹ thuật - công
nghệ, kinh nghiệm quản lý, chất xám, tinh hoa văn hóa nhân loại. Trên cơ sở phải
phát huy mọi nguồn lực trong nước, chúng ta có đầy đủ điều kiện để có thể thu
hút nguồn lực bên ngoài. Với việc mở rộng nhiều hình thức, có bước đi, biện
pháp và chính sách ưu đãi thích hợp, sẽ khuyến khích mạnh mẽ việc hợp tác về
kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Đặc biệt là thu hút đầu tư trực
tiếp của nước ngoài trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Năm là, sự phù hợp giữa
“ý Đảng” và “lòng dân” là động lực mang tính quyết định đối với sự nghiệp đổi mới.
Động lực đó bắt nguồn từ năng lực sáng tạo, bản lĩnh trí tuệ của Đảng và nhân
dân ta, thể hiện ở trình độ đoán định, nắm bắt những yếu tố và những vấn đề của
thời cuộc, dự kiến đúng tình huống, xác định đường đi nước bước rõ ràng, sẵn
sàng tạo lập và nắm bắt thời cơ, khắc phục nguy cơ, vượt qua thách thức đưa đất
nước đi lên. Do đổi mới phù hợp giữa “ý Đảng” và “lòng dân”, nên khi Đảng ta
phát động, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tạo thành động lực to lớn thực hiện có
hiệu quả sự nghiệp đổi mới đất nước.
Thành tựu của sự nghiệp
cách mạng và công cuộc đổi mới đất nước của Việt Nam sáng tỏ như ban ngày,
không thế lực đen tối nào có thể che phủ được. Đến nay, quy mô nền kinh tế Việt
Nam đạt 343 tỉ USD, trong tốp 40 nền kinh tế lớn của thế giới và đứng thứ 4
trong ASEAN; GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 3.500 USD; nằm trong tốp
10 quốc gia tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới và là một trong 16 nền kinh tế
mới nổi thành công nhất thế giới. Nhận xét về Việt Nam, tờ báo cánh tả People’s
World của Mỹ, ngày 25/01/2021 cho rằng: “Sở dĩ Đại hội XIII của Đảng Cộng sản
Việt Nam thu hút sự chú ý của quốc tế vì Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ trên trường
quốc tế, trở thành quốc gia hùng mạnh cả về kinh tế và ngoại giao”. Tờ The
Straits Times nhật báo tiếng Anh, được xuất bản tại Singapore, ngày 22/02/2021
khẳng định: “Vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế đã gia tăng trong những
năm gần đây. Trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)
năm 2020, Việt Nam đã dẫn dắt tổ chức khu vực này vào thời điểm xảy ra cuộc khủng
hoảng Covid-19 và giúp kinh tế toàn khu vực (RCEP) vượt qua vạch đích để ký được
hiệp định. Việt Nam cũng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp
quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021”. Đài truyền hình KBS của Hàn Quốc bình luận: “Việt
Nam sau một thời gian lao khổ, hôm nay đứng dậy sáng lòa cùng nhân loại. Việt
Nam ngẩng cao đầu, tự hào hòa đồng và đi lên cùng nhân loại”.
Rõ ràng là toàn bộ sự
nghiệp cách mạng gần một thế kỷ của Đảng và nhân dân ta không chỉ đạt được những
thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, mà còn tiếp tục được đẩy mạnh với những
nguồn lực phong phú, hết sức to lớn, trong đó có những nguồn lực không bao giờ
cạn. Hành trình của sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới phù hợp “ý Đảng”
và “lòng dân” đã và đang kết hợp tất cả ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân
hòa. Đó là động lực lớn nhất, yếu tố cơ bản nhất tạo nên những thành tựu mới to
lớn hơn nữa thực hiện mục tiêu, lý tưởng cao cả: dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là câu trả lời đanh
thép của chúng ta.
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa