Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

SỰ LỰA CHỌN TẤT YẾU

Theo các tài liệu chính thức ở Việt Nam, ngày 5-6-1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành - đang làm phụ bếp với tên gọi là Văn Ba - đã theo tàu Amiral Latouche Tréville rời bến cảng Sài Gòn đi Marseille (Pháp) mở đầu cuộc hành trình tìm con đường cứu nước của một người thanh niên yêu nước sau này trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là một sự kiện lịch sử và cũng là một sự thật lịch sử không thể phủ nhận.                        

Song vẫn có quan điểm cho rằng, Nguyễn Tất Thành khi đó ra đi không phải để tìm đường cứu nước mà là để mưu sinh và họ đã đưa ra nhiều bằng chứng cho quan điểm này mà bằng chứng chủ yếu là bức thư ngày 15-9-1911 của Nguyễn Tất Thành gửi Tổng thống Pháp và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp xin vào học Trường Thuộc địa. Họ lập luận rằng Nguyễn Tất Thành xin vào học ở Trường này để sau này ra làm quan như một số học sinh của Trường này sau khi tốt nghiệp. Họ dựa vào một số đoạn trong bức thư  như đoạn sau đây (trong bản được  dịch ra tiếng Việt): “Tôi xin trân trọng thỉnh nguyện lòng hảo tâm của ông ban cho tôi đặc ân vào học nội trú Trường Thuộc địa… Tôi mong muốn trở nên hữu ích cho nước Pháp”. Một bức thư gửi Tổng thống Pháp với lời lẽ như trên thì việc suy luận rằng Nguyễn Tất Thành xin vào học Trường Thuộc địa để sau này làm việc cho chính quyền Pháp là điều dễ hiểu. Hơn nữa, Trường  Thuộc địa do Chính phủ Pháp thành lập năm 1885, ngoài số học sinh người Pháp, mỗi năm còn có 20 học sinh được Toàn quyền Đông Dương chọn cử đi học lấy từ học sinh của 3 nước trong Đông Dương khiến cho suy luận nói trên có tính hợp lý nhất định.          

Thế nhưng suy luận nói trên không phải là duy nhất. Từ bức thư nói trên người ta còn có suy luận khác với những bằng chứng được nhiều công trình nghiên cứu nêu ra để khẳng định Nguyễn Tất Thành ra đi từ Cảng Sài Gòn ngày 5-6-1911 là để tìm đường cứu nước.

1- Ngay từ khi là một học sinh, Nguyễn Tất Thành đã tận mắt chứng kiến cuộc sống cực khổ của người dân dưới ách thống trị của thực dân Pháp cũng như những hành động tàn bạo của thực dân Pháp đối với những người yêu nước đấu tranh chống lại chúng. Tại quê hương mình, Nguyễn Tất Thành được biết nhiều sĩ phu yêu nước đã lập các đội quân khởi nghĩa chống Pháp như cụ Hoàng Xuân Hành lập căn cứ chng Pháp ở Thanh Chương bị giặc bắt và tra tấn đến chết, cụ Hoàng Phan Thái chiêu tập nghĩa binh chống Pháp ở Nghi Lộc bị giặc bắt và chém đầu… Còn ở Huế, tháng 4-1908 một cuộc biểu tình ôn hoà của nông dân mà Nguyễn Tất Thành có tham gia đòi giảm sưu, giảm thuế cũng bị đàn áp dã man - một số người bị chém đầu tại chỗ, nhiều người bị cầm tù và bị đày biệt xứ. Sau vụ này, Vua Thành Thái bị phế truất và bị đày ở đảo Reunion (Pháp). Tình cảnh đó đã thúc đẩy Nguyễn Tất Thành phải tìm con đường mới để cứu dân, cứu nước.                  

2-Nguyễn Tất Thành khi lớn lên đã được sự giáo dục của các thầy giáo có tinh thần yêu nước. Khi ở làng Kim Liên, Nguyễn Tất Thành học chữ Hán ở nhà thầy giáo Vương Thúc Quý - người đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan. Tại đây thầy Quý đã dạy Nguyễn Tất Thành tư tưởng yêu nước, thương dân và chí làm trai phải giúp ích cho đời… Khi học ở Trường Tiểu học Vinh, Nguyễn Tất Thành hằng ngày đều nhìn thấy các từ “Liberté  - Egalité - Fraternité” gắn trên các bảng đen của Trường khiến anh muốn “tìm hiểu những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”. Khi học ở Trường Quốc học Huế - một trường đặc biệt lúc bấy giờ với quy định tuyển chọn học sinh nghiêm ngặt - Nguyễn Tất Thành đã được nhiều thầy giáo của trường giáo dục tinh thần yêu nước, không quên trách nhiệm đối với đất nước. Cũng tại Trường này, Nguyễn Tất Thành được làm quen với loại sách Tân thư chứa đựng tư tưởng cải cách của Khang Hữu Vy và Lương Khải Siêu ở Trung Quốc cùng với một số sách báo tiến bộ của phương Tây do các thầy giáo yêu nước cung cấp. Nhờ đó, lòng yêu nước vốn có của Nguyễn Tất Thành đã được khơi dậy, nuôi dưỡng và thôi thúc chí hướng ra nước ngoài tìm đường cứu nước.      

3- Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước trong bối cảnh đất nước đang bị thực dân Pháp đô hộ với chính sách cai trị hết sức tàn bạo đã được  phản ánh trong cuốn sách của Nguyễn Ái Quốc “Lên án chủ nghĩa thực dân Pháp”. Cũng trong thời gian này các phong trào yêu nước tiếp tục lan rộng. Kế tiếp phong trào Cần Vương vào cuối thế kỷ 19 do Vua Hàm Nghi đứng đầu với gần 20 cuộc khởi nghĩa từ Tây Bắc đến Khánh Hoà, sang đầu thế kỷ 20, phong trào chống thực dân Pháp đã bước sang giai đoạn mới với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, được tập hợp trong nhiều tổ chức với những nhà lãnh đạo có uy tín như phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xưởng, phong trào “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” do Phan Chu Trinh đứng đầu, cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám chỉ huy… Mặc dù các phong trào, các cuộc khởi nghĩa đó đều thất bại nhưng đã tác động sâu sắc đến tình cảm, tư tưởng của Nguyễn Tất Thành và đã đặt ra câu hỏi lớn trước Nguyễn Tất Thành: Con đường nào để cứu nước?”. Sau này trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” có ghi lại: “Anh khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trình, Phan Bội Châu nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của mỗi người nào. Anh thấy rõ và quyết định con đường nên đi”.                                       

Có thể nói, với những điều tận mắt chứng kiến khi còn là một học sinh, với những kiến thức và tư tưởng được sớm tiếp nhận tại các trường đã học, lại sống  trong bối cảnh của đất nước đầu thế kỷ thứ 20 đã đưa Nguyễn Tất Thành đến một sự lựa chọn lịch sử là “muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Đó cũng là một sự lựa chọn tất yếu.

Lựa chọn đó đã đập tan mọi luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch về việc Nguyễn Tất Thành khi đó ra đi không phải để tìm đường cứu nước mà là để mưu sinh./.

2 nhận xét:

  1. Chúng ta cần tỉnh táo, cảnh giác trước những luận điệu sai trái và đấu tranh vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch.

    Trả lờiXóa