Nguyễn Tất
Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên khi đất nước đã đắm
chìm trong đêm trường nô lệ. Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dưới ách
thống trị tàn bạo của thực dân Pháp, nền độc lập của dân tộc bị xâm phạm, quyền
được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc của mỗi người dân ở xứ An Nam thuộc địa
đều bị chà đạp, tước bỏ. Không cam chịu làm nô lệ, các phong trào đấu tranh yêu
nước của nhân dân Việt Nam liên tiếp nổ ra: Từ phong trào Cần Vương, Văn Thân đến
cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế; từ phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục,
Duy Tân đến phong trào chống thuế ở Trung Kỳ…, song cuối cùng đều bị dìm trong
bể máu.
Cũng trong những
năm tháng đó, không chỉ sống ở xứ Nghệ, Nguyễn Tất Thành còn được sống ở kinh
thành Huế. Người không chỉ được học chữ Hán, bước đầu làm quen với thời đại qua
những sách Tân thư, Tân văn bằng tiếng Hán; được nghe các thầy giảng giải về nền
dân chủ và văn minh phương Tây mà khi theo học lớp dự bị (préparatoire) ở Trường
tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh trước đó, lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành
được tiếp xúc với khẩu hiệu "Tự do, Bình đẳng, Bác ái" nổi tiếng của
cách mạng tư sản Pháp 1789. Sau này, Người kể lại với nhà văn Liên Xô Ôxíp
Manđenxtam rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ
Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cùng là
người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền
văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”.
Truyền thống của
quê hương và gia đình, sự tác động về nhiều mặt của thời cuộc đã ảnh hưởng mạnh
mẽ đến Nguyễn Tất Thành. Vì vậy mà, dù rất khâm phục lòng yêu nước của các bậc
tiền nhân theo tư tưởng phong kiến hoặc dân chủ tư sản, nhưng khác họ, qua những
kiến thức mới mẻ tiếp thu được từ Tân thư, từ những năm tháng học tập, sinh sống
ở Huế và bằng nội lực bẩm sinh, Nguyễn Tất Thành hiểu rằng một thời đại mới,
đòi hỏi một con đường đi mới, một phương thức đấu tranh mới - Đó chính là làm
cách mạng và nó khác hẳn những con đường đấu tranh yêu nước đã từng diễn ra.
Vì thế mà, Nguyễn
Tất Thành đã quyết định không sang phương Đông, không nhờ cậy vào những người
“anh lớn” Trung Quốc và Nhật Bản, mà muốn làm quen với văn minh Pháp, muốn xem
những gì ẩn giấu đằng sau những mỹ từ “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” của cách mạng
Pháp. Nguyễn Tất Thành đã muốn học hỏi nhiều hơn những gì mình đang có, dân tộc
mình đang có, để không chỉ làm giàu tri thức cho mình mà chính là hướng đến mục
tiêu giải phóng dân tộc mình. Từ xuất phát điểm này, từ sự vượt lên chính mình
này đã quyết định sự lựa chọn, con đường đi sau đó của Người - đó là rời Tổ quốc
ra đi tìm đường cứu nước, mở đầu một chặng đường dài xa Tổ quốc.
Với ý chí và
quyết tâm của một người dân mất nước, với nhiệt huyết và sức trẻ của tuổi thanh
xuân, Nguyễn Tất Thành đã khởi đầu một con đường đúng khi quyết định xin
làm thuê trên tàu Đô đốc Latútxơ Trêvilơ (Amiran Latusơ Tơrêvin), rời Tổ quốc
ngày 5/6/1911 để “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”. Có thể nói, đây là một suy
nghĩ đúng đắn, hợp quy luật và thời đại.
Theo hành trình
của tàu, Người đã đến Marseille, Le Havre, Dunkerque, Manche của Pháp… Ngày
15/9/1911, Người viết đơn gửi Tổng thống Pháp và Bộ trưởng Thuộc địa Pháp trình
bày nguyện vọng muốn được xin vào học tại Trường Thuộc địa. Đơn của Người được
gửi từ Marseille; trong đó có đoạn viết: “Tôi vinh hạnh, xin một đặc ân với
lòng nhân từ cao cả của ông được thu nhận vào học Trường Thuộc địa như một học
sinh nội trú. Hiện tại tôi là nhân viên của Hãng Sácgiơ Rêuyni (Chargeurs Réunis)
tàu Amiran Latusơ Tơrêvin”, với mong muốn "trở thành có ích cho đồng
bào tôi, muốn cho họ được hưởng những lợi ích của học thức". Tuy nhiên
yêu cầu này đã bị từ chối vào tháng 10/1911 và theo hành trình của tàu, Người
trở lại Sài Gòn.
Sau đó, Người
quay lại Pháp và theo hành trình của hãng tàu Người bắt đầu hành trình lao động
kiếm sống, tích luỹ tri thức, khảo nghiệm và tìm hiểu đời sống chính trị, xã hội
các quốc gia, dân tộc và các nền văn hoá của nhiều châu lục… Vậy là, trải qua
những tháng ngày lao động vất vả, bằng nghề làm phụ bếp trên tàu; thợ chụp ảnh,
vẽ đồ giả cổ Trung Hoa ở thủ đô Paris của nước Pháp hoa lệ; làm người cào tuyết
cho trường học, bồi bàn trong khách sạn ở nước Anh; học tập, nghiên cứu ở nước
Nga; hoạt động ở Trung Quốc, v.v.. Nguyễn Ái Quốc đã có một hành trình
dài với biết bao điều lớn lao:
Thứ nhất, sống,
học tập và hoạt động không mệt mỏi, thực sự hòa mình vào dòng chảy của các sự
kiện trên thế giới và đi đến lựa chọn đúng, đó là đến với chủ nghĩa Mác -
Lênin, đến với con đường cứu nước theo quỹ đạo cách mạng vô sản khi bỏ phiếu
tán thành Quốc tế thứ III của Lênin/Quốc tế Cộng sản - trở thành người cộng sản
Việt Nam đầu tiên, một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp vào tháng
12/1920 (tại Đại hội Tua) khi hiểu rõ rằng: "Cách mạng Tháng Mười mở ra
con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới
trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm
vi thế giới". Vì thế, “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con
đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(và “chỉ có chủ nghĩa xã
hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người
lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”…
Thứ hai, ham học
hỏi, không sợ cường quyền, từng bước vượt qua mọi thử thách, gian truân, luôn
phấn đấu cao độ với một nghị lực phi thường và một định hướng chính trị đúng để
gom góp và đanh thép đưa ra bản cáo trạng tội ác thực dân - Bản án chế độ
thực dân Pháp năm 1925. Đồng thời, được chứng kiến những diễn biến lớn của thời
đại, Nguyễn Ái Quốc đã thấy những tồn tại, những khoảng cách và cả những bất
công về quyền lợi và hưởng thụ trong lòng xã hội tư bản, tất yếu sẽ dẫn đến những
“khủng hoảng” không thể tránh khỏi ở cả các nước chính quốc, như nước Mỹ (với bản
Tuyên ngôn độc lập năm 1776) và nước Pháp (với bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân
quyền của cách mạng 1791, để rồi đi tới khẳng định: “Dù màu da có khác nhau,
trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc
lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”.
Vì thế, theo Người, vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng con người không chỉ
là nhu cầu của dân tộc và con người Việt Nam mà là của tất cả các dân tộc bị áp
bức và nhân dân cần lao trên thế giới.
Thứ ba, đi từ
dân tộc đến nhân loại, Người đã nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tiếp thu chủ
nghĩa Mác - Lênin với thế giới quan khoa học và cách mạng, để phát hiện và nhận
thức được quy luật tiến hóa, xu thế phát triển tất yếu của thời đại khi khẳng định:
“Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị
áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Với ý nghĩa
đó, có thể thấy, Nguyễn Ái Quốc đã không chỉ tìm được con đường cứu nước, cứu
dân phù hợp yêu cầu của đất nước và quy luật của thời đại mà còn trang bị cho
mình một nhân sinh quan mới để định hình con đường phát triển cho dân tộc Việt
Nam khi nhấn mạnh rằng, ở đó “chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước…Chiến
tranh đã làm thay đổi chủ nghĩa dân tộc”. Đây là quá trình khảo nghiệm,
thâu thái tinh hoa, tri thức các nền văn minh nhân loại theo cách "tiếp biến
và vượt gộp" của Hồ Chí Minh, để vừa sáng tạo, vừa độc lập vận dụng vào điều
kiện cụ thể của Việt Nam khi quyết định trở về Quảng Châu, Trung Quốc
(11/11/1924) chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam sau đó.
Thứ tư, trên
cơ sở những nguyên lý của học thuyết Mác - Lênin về xây dựng Đảng, Nhà nước, về
phương pháp vận động quần chúng, tập dượt đấu tranh cách mạng được tích luỹ
trong những năm tháng hoạt động của tuổi trẻ, bằng những việc làm cụ thể như mở
lớp huấn luyện chính trị, thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên
năm 1925, sáng lập báo Thanh niên 6/1925, tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản, về
Đảng Cộng sản, về Cách mạng Tháng Mười Nga, xuất bản tác phẩm Đường Kách mệnh đầu
năm 1927..., Nguyễn Ái Quốc đã ngày mỗi ngày góp phần đưa tư tưởng của thời đại
mới về Việt Nam, thúc đẩy sự chuyển biến về chất trong phong trào công nhân và
phong trào yêu nước. Sau đó, khi các tổ chức cộng sản Việt Nam ra đời, Người đã
tổ chức thành công Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng
sản Việt Nam (từ 6/1-8/2/1930) tại Hương Cảng. Hội nghị đã thông qua Cương
lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, trong đó khẳng định: "Chủ trương
làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản";
"a) Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. b) Làm cho nước Nam
hoàn toàn độc lập".
Thứ năm, dưới sự
lãnh đạo của Người và Đảng Cộng sản Việt Nam, với đường lối cách mạng đúng đắn,
với sức mạnh đoàn kết muôn người như một của các tầng lớp nhân dân yêu nước,
kiên cường, đồng lòng ủng hộ, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã giành thắng
lợi. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc
Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ
nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á; đồng thời, đưa những thân dân/người dân nô
lệ An Nam trở thành chủ nhân của nước Việt Nam độc lập, tự do.
Tiếp đó, kiên định
con đường đã lựa chọn, nhân dân Việt Nam kiên trì tiến hành thắng lợi cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước để giải phóng miền Nam,
thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Kiên định mục tiêu
độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh và một
đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp xu thế thời đại của Đảng Cộng sản Việt
Nam, thể hiện rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ
lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), sau hơn 35
năm đổi mới và hội nhập quốc tế, một đất nước Việt Nam đổi mới từng ngày đã khẳng
định được vị thế của mình trong cộng đồng các quốc gia, đóng góp vào sự phát
triển bền vững, phồn vinh của nhân loại; góp phần vào cuộc đấu tranh chung của
nhân loại, thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của loài người tiến lên trong một thế
giới đầy biến động.
Bài viết rất thiết thực
Trả lờiXóa