Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

HỌC TẬP - KHÁT VỌNG CHÁY BỎNG

Lao động vất vả nhưng khát vọng học tập luôn cháy bỏng trong Nguyễn Tất Thành. Cùng với bức thư gửi cho cha, anh còn gửi một bức thư cho anh trai Nguyễn Sinh Khiêm (thời kỳ này đang giúp việc vặt ở Toà Khâm sứ Trung Kỳ), nhờ xin cho vào học Trường Thuộc địa tại Pari. Nhưng kết quả không khả quan hơn, vẫn với sự kỳ thị, toàn quyền trả lời: “…ông chủ sự giáo dục Trung Kỳ, được hỏi ý kiến đã cho biết người thanh niên này đã bắt đầu học Trường Quốc học Huế, nay qua làm bồi ở Pháp, có thể tiếp tục học ở một trường tại thuộc địa trước khi có tham vọng trở thành sinh viên ở Pháp”.

Đầu năm 1913, Nguyễn Tất Thành theo tàu rời Mỹ trở về Pháp, sau đó sang Anh.

Đến nước Anh, lên bờ, làm gì để sinh sống là một câu hỏi quá khó khăn giữa thủ đô London hoa lệ. Nguyễn Tất Thành nhận cào tuyết cho một trường học. Công việc quá vất vả mệt nhọc, anh đành phải bỏ việc. Anh tìm được một việc khác là đốt lò. Từ 5 giờ sáng, anh đã phải chui xuống hầm để nhóm lửa, suốt ngày đổ than, thay than trong lò, sống trong cảnh tranh tối tranh sáng, ngột ngạt đáng sợ.

Nhưng cũng ngay từ những ngày đầu tiên đến nước Anh, Nguyễn Tất Thành bắt tay ngay vào việc học ngoại ngữ. Hằng ngày, sáng sớm và buổi chiều, trước và sau giờ lao động để kiếm tiền sống, anh miệt mài tự học. Hằng tuần, vào ngày nghỉ, anh học tiếng Anh với một giáo sư người Ý.

Giữa năm ấy, từ nước Anh, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho cụ Phan Châu Trinh ở Pháp. Bức thư cho thấy anh rất quyết tâm học ngoại ngữ: "Mấy bốn tháng rưỡi nay thì chỉ làm với Tây, nói tiếng Tây luôn luôn. Tuy ở Anh nhưng chẳng khác gì ở Pháp và tháng ngày luống những chỉ lo làm việc khỏi đói, chớ chẳng học được bao nhiêu. Và cháu ước ao rằng bốn, năm tháng nữa, lúc gặp bác thì sẽ nói và hiểu được tiếng Anh nhiều nhiều…”.

1 nhận xét:

  1. Tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi toả sáng cho mọi thế hệ học tập và làm theo

    Trả lờiXóa