Thứ Tư, 9 tháng 6, 2021

NHIỀU ĐẢNG PHÁI CHÍNH TRỊ RA ĐỜI NHƯNG ĐỀU BẤT LỰC TRƯỚC ĐÒI HỎI CỦA DÂN TỘC

Lịch sử Việt Nam hơn 91 năm qua, nhìn bao quát, có thể nói là lịch sử của sự lựa chọn, khẳng định và thực thi mục tiêu phát triển gắn với sự lựa chọn đảng chính trị lãnh đạo đất nước, dẫn dắt dân tộc, vì mục tiêu đó. Ngay từ những thập niên đầu tiên tới những năm 50 của thế kỷ 20 đã và luôn là lịch sử thăng trầm của sự đào thải, sàng lọc, kiểm nghiệm và lựa chọn đó.  

Năm 1930, qua hơn nửa thế kỷ, kể từ năm 1858, lúc bấy giờ, đất nước rên xiết trong vòng nô lệ của chủ nghĩa thực dân Pháp và chế độ phong kiến. Nhu cầu tất yếu dân tộc phải độc lập, nhân dân phải được tự do và dân chủ, hoàn toàn bế tắc, chưa thấy tương lai. Độc lập tự do hay là chết? Hàng loạt cuộc khởi nghĩa do giai cấp nông dân, các sĩ phu yêu nước Việt Nam ngõ hầu trả lời câu hỏi lịch sử đó, nhưng đều lần lượt thất bại. Các đảng chính trị đại diện cho các giai cấp, tầng lớp xã hội ở nước ta, lúc bấy giờ, nhảy ra tranh đoạt vũ đài chính trị dân tộc, cũng đông đúc chưa từng thấy. Ai cũng biết, từ đảng của giai cấp nông dân (Nghĩa hưng, năm 1907); đảng của giai cấp tư sản, địa chủ (Lập hiến, năm 1923)... tới đảng của tầng lớp thanh niên, sinh viên, trí thức tiểu tư sản (Việt Nam nghĩa đoàn, Đảng Thanh niên, Đảng An Nam độc lập (năm 1927), Việt Nam Quốc dân đảng (năm 1927)... rồi đảng của bọn tay sai của đế quốc Pháp và phát xít Nhật, (Đại Việt quốc gia xã hội đảng, Đại Việt quốc dân đảng (những năm 1940 tới khi Việt Nam giành được độc lập bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945); chen chúc các đảng phản động (Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách)... thật huyên náo, tới mức hỗn loạn chính trường. Trong số ấy, chỉ một số đảng mong chấn hưng đất nước nhưng “lực bất tòng tâm”, số còn lại những mưu toan tính biến đất nước thành nơi thử nghiệm những mưu đồ chính trị của giai cấp, tầng lớp họ.

Nhưng rốt cuộc, tất cả những đảng đó đã lùi vào dĩ vãng của lịch sử và bị lịch sử dân tộc chôn vùi rất lặng lẽ trái với sự huyên náo đến mức hỗn loạn lúc các đảng này xuất hiện và khua chiêng gõ mõ trên chính trường Việt Nam lúc bấy giờ. Các đảng này hoặc tự phải diệt vong hoặc bị giải tán. Theo đó, các giai cấp, tầng lớp đại diện cho các đảng đó cũng cáo chung vai trò lãnh đạo dân tộc. Thách thức của lịch sử về vị trí, vai trò của đảng chính trị đối với vận mệnh cứu đất nước khỏi vòng nô lệ, nhân dân khỏi xiềng xích vong quốc nô vẫn đang bỏ ngỏ. Điều đó ai nấy đều rõ.

1 nhận xét: