Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

NGÔI NHÀ "BỐN KHÔNG" TRONG NGÕ HẺM

Vào tháng 7-1921, Nguyễn Ái Quốc chuyển đến ở nhà số 9, ngõ Compoint thuộc Quận 17, Pháp. Đây là nơi Nguyễn Ái Quốc ở đến hai năm, từ tháng 7-1921 đến tháng 6-1923.

Sau này, vào năm 1968, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bộ trưởng Xuân Thuỷ làm Trưởng đoàn, đồng chí Lê Đức Thọ làm cố vấn đặc biệt lên đường sang Pháp tham dự Hội nghị Paris về Việt Nam đã đến thăm căn phòng mà Người đã từng ở này.

Khi nhìn thấy căn phòng và những vật dụng sinh hoạt của Bác quá đơn sơ, nghèo nàn, tất cả anh chị em trong Đoàn đều vô cùng xúc động; bước vào phòng, một gian buồng hẹp khoảng 9m2, nhìn về phía tay trái có một la-va-bô treo trên tường cùng một vòi nước nhỏ, ngay cạnh đó là một tủ quần áo làm bằng gỗ tạp. Sát tường bên trái là chiếc giường sắt đơn, đầu giường có một cái tủ con để sách vở và vài đồ lặt vặt. Phía trên có một ngọn đèn nhỏ vừa đủ để thắp sáng gian buồng. Sau khi ra về, đồng chí Xuân Thuỷ đã xúc động viết :

“Ngày nào lạnh lẽo phố Công - poanh (Compoint)

Ngõ nhỏ buồng con, Bác một mình

Cuộc sống đi về coi chật hẹp

Mà lòng “Ái Quốc” rộng mông mênh”.

Trong cuốn sách Thời thanh niên của Bác Hồ, tác giả Hồng Hà kể: Bà Giamô, chủ nhà, cho anh Nguyễn thuê gian buồng mỗi bề khoảng ba mét, không bếp, không nước, không điện, không lò sưởi, gió thổi lùa qua khe cửa… Buồng anh chỉ đủ kê một cái giường sắt, một cái bàn con…. Trên bàn có một cái thau, trong thau có một bình đựng nước để rửa mặt. Khi anh viết hoặc đọc sách thì anh đưa thau và bình nước xuống gầm giường… Một người bạn Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng kể lại: “Tôi là Giăng Pho (Jean Feur), thợ điện, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Tôi quen biết đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ năm 1920-1921, vì hồi đó chúng tôi cùng trọ một nhà, ở ngõ hẻm Compoint. Đó là khu công nhân nghèo, mà ngõ hẻm lại là nghèo nhất ở khu nghèo này. Gọi là ngõ hẻm, vì nó chỉ có đường vào, không có đường ra. Cả “phố”chỉ vẻn vẹn có 4 cái nhà lụp xụp, 3 nhà cho thuê để gửi xe. Một nhà tầng dưới là một quán cà phê nhỏ, tầng trên có hai buồng. Tôi và anh Nguyễn trọ… Mùa đông giá lạnh, không đủ chăn đắp, trước khi đi làm, anh đặt nhờ một viên gạch trên bếp bà chủ nhà; tối về, anh gói viên gạch vào một tờ báo, rồi đút vào giường cho đỡ rét”.

Hình ảnh viên gạch đã đi vào hình tượng thơ của nhà thơ Chế Lan Viên trong bài “Người đi tìm hình của nước”:

“Có nhớ chăng, hỡi gió rét thành Ba Lê

Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá”.

Chuyện viên gạch hồng hoàn toàn đúng thực tế thời đó. Ông Tổng Lãnh sự Pháp - người tặng viên gạch lưu niệm của gia đình cho Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP Hồ Chí Minh kể: "Nước Pháp vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 vẫn còn nghèo. Ngay tại thủ đô Paris vẫn còn nhiều vùng chưa có điện. Để chống lại giá rét mùa đông, người ta sản xuất ra một loại gạch sưởi, bên trong được cấu tạo thành nhiều ngăn, nhiều lớp để tích tụ nhiệt. Ban ngày trước khi đi làm, người ta đặt viên gạch vào cạnh lò sưởi; khi đi ngủ người ta đặt viên gạch dưới giường nằm cho ấm. Viên gạch này là kỷ vật của bà ngoại ông Jean François Parot. Bà đã giữ lại suốt hơn nửa thế kỷ như kỷ niệm về một thời nghèo khó..."

Về sinh hoạt hằng ngày, cuốn Đường Bác Hồ đi cứu nước ghi: Mỗi buổi mai, Người nấu cơm trong một cái xanh nhỏ bằng sắt tây đặt trên ngọn đèn dầu. Với một con cá mắm hoặc một tí thịt. Người ăn một nửa và để dành một nửa đến chiều. Có khi một miếng bánh mì với một miếng phomát là đủ ăn cả ngày.

Lúc này, Nguyễn Ái Quốc đang làm thợ sửa ảnh tại tiệm ảnh của ông Lainé nằm cùng ngõ ở số 7 với số tiền công là 40 francs mỗi tuần. Phần lớn số tiền kiếm được, Người dùng để đặt báo và mua sách.

Thiếu khổ đủ bề nhưng “điều cần nhất” đã được Người nói lên ngay sau lời ngọt nhạt lôi kéo của toàn quyền Pháp: “Cảm ơn Ngài! Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập…

1 nhận xét:

  1. Mọi người dân Việt Nam luôn nhớ công lao trời bể của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vì vậy mỗi người dân; nhất là cán bộ, Đảng viên phải thường xuyên học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Người.

    Trả lờiXóa