Bến cảng Nhà Rồng và ngày
5-6-1911 là cột mốc đánh dấu hành trình Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Nhưng
chúng tôi muốn cùng bạn đọc lùi lại một mốc khác, đó là mùa Thu năm 1910, khi
tròn 20 tuổi, Người đã dừng chân ven bờ biển Phan Thiết. Hành trình cứu nước đã
bắt đầu từ những bước chân buổi ấy…
Phan Thiết, một ngày mùa
Thu tháng 9 năm 1910. Chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành dừng chân mà lòng ngổn
ngang trăm mối. Cuốn Hồ Chí Minh-biên niên tiểu sử (do Viện Hồ Chí Minh thuộc Học
viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xuất bản năm 2006) ghi: Ngày 4-12-1908,
Nguyễn Tất Thành khi đang là học sinh với lòng yêu nước thương dân đã tham gia
cuộc biểu tình chống thuế của nông dân Thừa Thiên và bị thực dân Pháp theo dõi.
Ông Nguyễn Sinh Huy (cha của Nguyễn Tất Thành), một vị quan thanh liêm đang làm
việc ở Huế cũng bị chúng khiển trách.
Sang năm 1909, Nguyễn Tất
Thành theo cha, lúc đó là Phó bảng vào huyện Bình Khê thuộc tỉnh Bình Định nhậm
chức tri huyện. Sau đó Người được cha gửi vào Quy Nhơn học tiếng Pháp. Những tưởng
việc học hành sẽ thuận lợi nhưng chẳng bao lâu, tháng 1 năm 1910, cha Người bị
triều đình bãi chức và triệu hồi về Huế. Việc học tập của Nguyễn Tất Thành nguy
cơ dang dở.
Tháng 9 năm ấy, Nguyễn Tất
Thành quyết định từ Quy Nhơn vào Sài Gòn. Sau này, trả lời một nhà văn Mỹ, Người
nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự
hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này
nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ.
Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.
Nhưng hành trình đâu dễ
dàng. Đến Phan Thiết thì hết tiền, Người phải xin vào làm trợ giáo, dạy môn Thể
dục tại Trường Dục Thanh, một ngôi trường tư thục nằm kề bên bờ sông Cà Ty,
thành phố Phan Thiết (Bình Thuận).
Theo hồi ức của các học
sinh: Thầy Thành dạy rất tận tâm, hết lòng thương yêu, chăm sóc trò. Thầy thường
phổ biến cho học sinh những thơ ca yêu nước. Vừa phụ trách thể dục, thầy vừa
chăm lo xây dựng tủ sách, hướng dẫn học sinh thăm phong cảnh trong vùng...
Ngoài giờ lên lớp với số
tiền lương ít ỏi, theo tư liệu ghi chép chỉ vỏn vẹn 8 đồng, Nguyễn Tất Thành
tìm những cuốn sách quý để đọc. Lần đầu tiên Người được tiếp cận với những tư
tưởng tiến bộ của các nhà khai sáng Pháp như Rousseau, Voltair, Montesquieu,
càng thôi thúc Người tìm đường ra nước ngoài.
Cuối năm Canh Tuất
(1910), Nguyễn Tất Thành rời Trường Dục Thanh về Sài Gòn tiếp tục con đường đã
định… Năm 1960, tập sách Bác Hồ do nhiều tác giả viết in tại Hà Nội đã được Bác
Hồ xem. Khi đọc, Bác nói với đồng chí thư ký:
- Bác không có ý định dừng
lại Phan Thiết song đến đó thì tiền lộ phí đã cạn mới quyết định ở lại tìm việc
làm để có tiền đi tiếp cuộc hành trình.
Đến Sài Gòn, Nguyễn Tất
Thành xin vào học một trường kỹ thuật do Pháp quản lý, dạy về hàng hải. Sau
này, đồng chí Hà Huy Giáp kể lại, có lần Bác nói: "Bác đâu có ý định học
thợ, nhưng trong lúc lang thang để tìm cách sang phương Tây, mà có nơi cho mình
học, có cái ăn là mình vô thôi".
Ít lâu sau, Người đã tìm
đến thăm cha lúc này cũng ở miền Nam. Người cha già dặn dò: "Tìm thăm cha
là tốt, nhưng cái cần hơn vẫn là tìm đường cứu dân tộc". Lời dặn ấy như
càng củng cố thêm khao khát tột cùng bấy lâu nay Nguyễn Tất Thành nung nấu.
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa