Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

CHÍNH SÁCH TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA HIỆN NAY

Ngay từ khi Đảng mới ra đời, “Chính sách “tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết” do chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đoàn kết toàn dân kháng chiến thắng lợi, giành độc lập thống nhất hoàn toàn cho đất nước”[1]. Trong công cuộc đổi mới đất nước, kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện mới, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ngày 16-10-1990, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” đã đưa ra 3 luận điểm mới: “Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài”; “tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân” và “Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”[2]. Các luận điểm này đánh dấu bước đột phá trong nhận thức về tôn giáo, xác lập luận cứ khoa học vững chắc cho việc đổi mới chính sách tôn giáo, khơi dậy tính tích cực của quần chúng có đạo trong công cuộc đổi mới đất nước.
 Sau Nghị quyết 24, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị thể hiện sự phát triển tư duy đổi mới về tôn giáo và giải quyết vấn đề tôn giáo. Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 2-7-1998 về công tác tôn giáo trong tình hình mới của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Những hoạt động tôn giáo ích nước lợi dân, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tín đồ được bảo đảm. Những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo được tôn trọng và khuyến khích phát huy”[3]. Rõ ràng, Chỉ thị 37 không chỉ thừa nhận sự tồn tại của tôn giáo mà còn khẳng định tôn trọng, khuyến khích phát huy “các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp” của tôn giáo. Tiếp theo, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII một lần nữa Đảng ta khẳng định quan điểm tôn trọng và phát huy giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo đồng thời đưa ra quan điểm “thực hiện chính sách văn hóa đối với tôn giáo” với nội dung cốt lõi là “khuyến khích ý tưởng, công bằng, bác ái, hướng thiện... trong tôn giáo, đồng thời khắc phục mê tín dị đoan, chống lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện ý đồ chính trị xấu”. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lần đầu tiên trong lịch sử Đảng ta đã ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác tôn giáo, trong đó khẳng định rõ quan điểm, chính sách tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Trong Văn kiện Đại hội XI, Đảng ta chỉ rõ: không chỉ “tôn trọng” mà còn “bảo đảm” các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tự do theo đạo và không theo đạo, … trong khuôn khổ pháp luật. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển 2011) khẳng định: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”[4].  Điều đó, tiếp tục được Đại hội lần thứ XII của Đảng khẳng định và chỉ rõ: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật”[5].
Trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đã từng bước xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện trên thực tế. Nhà nước ta đã từng bước thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, tập trung hoàn thiện pháp luật về tôn giáo theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền và phù hợp với luật pháp quốc tế. Điều đó được thể hiện trong các văn kiện như: Hiến pháp năm 1992 (điều 70); Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004; Nghị định số 92/2012/NĐ-CP, ngày 8/11/2012, của Chính phủ “Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo”, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 ... Trong Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004, những quan điểm, tư tưởng của Đảng về tôn giáo đã thể chế hóa, tạo sự đồng thuận, đồng tình của đồng bào các tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước thừa nhận, có quyền hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ. Đặc biệt, trên cơ sở kế thừa, phát triển các bản hiến pháp trước đó, Điều 24, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 khẳng định rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo với các nội dung chủ yếu sau:
Một là, Hiến pháp ghi nhận: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. So với Hiến pháp 1992, Điều 24 Hiến pháp 2013 đã có sự tiến bộ hơn khi đã khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền cơ bản không phải chỉ của “công dân” mà là của “Mọi người”. Sự thay đổi này bảo đảm thực hiện quyền con người đối với vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Hiến pháp ghi nhận “mọi người” sẽ bao trùm rộng hơn so với “công dân” vì trong thực tế không phải ai cũng có quyền công dân.
Hiến pháp quy định, tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ là quyền theo tôn giáo mà còn có cả quyền không theo tôn giáo. Quy định như vậy một mặt là sự mở rộng hơn, làm sâu sắc thêm quyền đó, mặt khác, là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền của những người không có đạo, phòng ngừa trường hợp có người vì những lý do nào đó, bị ép buộc theo một tôn giáo nào đó.
 Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật, phản ánh khá rõ nét về tính dân chủ của xã hội nước ta. Việt Nam có nhiều tôn giáo khác nhau, tồn tại đan xen, tất cả đều phải bình đẳng trong mối quan hệ với Nhà nước. Hơn thế, quy định về sự bình đẳng trước pháp luật của các tôn giáo ở nước ta là một yếu tố góp phần bảo đảm sự đoàn kết giữa các đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, góp phần vào sự nghiệp đoàn kết chung của dân tộc. 
Hai là, Hiến pháp ghi nhận: “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ”. Điều này cho thấy thái độ cũng như chính sách dân chủ của Nhà nước ta đối với quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Coi đó là một nhu cầu và là một quyền tất yếu của người dân, Nhà nước cần phải tôn trọng, bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi để họ thực hiện tốt nhất quyền của mình. 
Ba là, Hiến pháp quy định: Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Đây là một quy định thể hiện trách nhiệm tôn trọng quyền này đối với mọi người.  Bởi vì, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chỉ được bảo đảm thực hiện khi mọi người trong xã hội, dù có hay không có tín ngưỡng, tôn giáo đều không được làm phương hại đến nó. Đồng thời, quy định nghiêm cấm việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm đến lợi ích của Nhà nước, của nhân dân là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, truyền thống văn hóa dân tộc.



[1]  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb CTQG, H.2003, tr.45.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb CTQG, H.2003, tr.46
[3] Nguyễn Đức Lữ (chủ biên), Lý luận về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam (tái bản có bổ sung), Nxb Tôn giáo, H.2008, tr.326
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXb CTQG, H. 2011, tr.81.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016,  tr. 165.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét