Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC CỦA HỘI NHẬP QUỐC TẾ ĐẾN XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM HIỆN NAY

Hội nhập đã trở thành một xu thế lớn của thế giới hiện đại, tác động mạnh mẽ đến quan hệ quốc tế và đời sống của từng quốc gia. Trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động và tích cực hội nhập quốc tế nhằm tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ sự nghiệp bảo vệ và  xây dựng  Tổ quốc. Cũng chính trong quá trình đó, nền văn hóa nước ta đã và đang có nhiều biến đổi lớn theo cả chiều hướng tích cực:
Thời kỳ hội nhập quốc tế tạo điều kiện mở rộng giao lưu giữa các nền văn hoá, tiếp biến các giá trị văn hóa mới, trực tiếp bổ sung, làm giàu bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta từng bước tiếp cận nền văn minh thế giới với trình độ và công nghệ hiện đại, tạo cơ sở tiền đề cho sáng tạo những giá trị mới, tự khẳng định mình trên trường quốc tế. Qua tiếp xúc, giao lưu, học hỏi sẽ làm giàu bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần phát triển đất nước lên một tầm cao mới, nâng vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Những giá trị tinh hoa văn hoá nhân loại được kế thừa phát triển sẽ tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tiếp cận với nền văn minh trí tuệ, làm giàu tri thức, tích cực lao động, cống hiến làm giàu cho bản thân, cho cộng đồng và xã hội. Mỗi con người Việt Nam hiện nay đang có khát vọng làm giàu, xoá nghèo nàn lạc hậu, đảm bảo bình đẳng và công bằng xã hội, phấn đấu đưa nước ta phát triển, sánh vai các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng được nâng lên tầm cao hơn, hiệu quả, thiết thực vì lợi ích và phẩm giá con người; gắn chặt yêu nước với yêu quí lao động chân chính, hiệu quả, tích cực làm giàu cho bản thân, quê hương và xã hội.
Hội nhập quốc tế giúp nâng cao trí tuệ, tâm hồn và lương tri con người Việt Nam, trực tiếp góp phần phát triển nguồn lực con người. Thông qua quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế đã phát huy tính năng động, sáng tạo và bản lĩnh con người Việt Nam trên trường quốc tế. Trên nhiều lĩnh vực, văn hóa Việt Nam đã có nhiều tìm tòi, đổi mới về nội dung phản ánh, thể nghiệm nhiều phương thức, hình thức biêu đạt mới. Nhiều loại hình văn hoá và tác phẩm nghệ thuật mới đã ra đời. Những giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên, thể thao, một số loại hình văn hoá nghệ thuật và những lĩnh vực khác… càng khẳng định và chứng tỏ tiềm năng, trí tuệ của con người Việt Nam, của thế hệ trẻ, càng tăng thêm niềm tự hào, tự tôn dân tộc.
Một thành tựu văn hóa rất đáng kể trong thời kỳ hội nhập quốc tế là chúng ta không chỉ chú trọng bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, mà còn tiếp thu có chọn lọc nhiều loại hình, sinh hoạt văn hóa có xuất xứ từ nước ngoài. Bên cạnh tăng cường nhập khẩu các sản phẩm văn hóa của nước ngoài như phim, ảnh, sách, băng đĩa ca nhạc và đón hàng trăm đoàn, nhóm ca sĩ, nghệ sĩ của các nước đến Việt Nam tham gia biểu diễn và giao lưu với công chúng, chúng ta cũng chứng kiến sự “bùng nổ” của rất nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa mới như các cuộc thi sắc đẹp, khiêu vũ, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn... Nhiều lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam cũng được giới trẻ nhiệt tình đón nhận như: Ngày lễ Tình yêu (Valentine 14-2), Lễ hội hóa trang Halloween (31-10), Ngày lễ Giáng sinh (Noel 25-12)... Những hình thức văn hóa mới này làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận, hưởng thụ các giá trị văn hóa tiến bộ, nhân văn cả ở trong nước và nước ngoài.
Đồng thời, trong quá trình hội nhập quốc tế, những giá trị văn hóa đặc sắc được giữ vững, bảo tồn phát huy, những cái không phù hợp được cải tạo, cái lạc hậu bị thải loại. Các giá trị cốt lõi trong bản sắc văn hóa dân tộc đều được hình thành, hun đúc qua thực tiễn lịch sử, đến ngày nay nó tiếp tục được kiểm nghiệm, được nâng tầm trong điều kiện mới. Trong những năm qua, hàng loạt những hoạt động văn hoá truyền thống dân tộc được phục hồi và có bước phát triển mới. Những lễ hội dân gian của các làng quê, của các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam được khôi phục và tổ chức thường xuyên, một mặt thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyên truyền giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, qua đó sáng tạo, bổ sung, phát triển nâng tầm giá trị bản sắc văn hoá, tăng cường tinh thần đoàn kết, ý thức gắn bó cộng đồng. Đặc biệt, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 10/3 (âm lịch) làm Quốc giỗ, ngày 19/4 là “Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam” và khôi phục việc tổ chức thường xuyên 17 lễ hội của đồng bào các dân tộc trên cả nước. Thông qua việc tổ chức các lễ hội đã góp phần giáo dục và nâng cao truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm cao về việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá  dân tộc, củng cố tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng đã tồn tại lâu đời đã từng bước được cải tạo phù hợp với nếp sống văn minh, tiến bộ. Đồng thời, nhiều phong tục tập quán lạc hậu nhất là một số tập tục của đồng bào dân tộc thiểu số được loại bỏ.  
Đặc biệt, hội nhập quốc tế tạo điều kiện cho văn hoá Việt Nam lan toả, nâng cao vị thế ra khu vực và thế giới, hiện đại hoá các phương tiện văn hoá thông tin trong toàn xã hội. Trong những năm qua, việc trao đổi sản phẩm văn hóa nghệ thuật với nước ngoài được đẩy mạnh, chẳng hạn thông qua các Festival quốc tế; tham gia các cuộc thi âm nhạc quốc tế; những ngày văn hóa Việt Nam tại các nước hay những ngày văn hóa nước ngoài tại Việt Nam. Việt Nam đã phối hợp với một số nước để tạo ra một số sản phẩm văn hóa nghệ thuật chung, thí dụ các vở kịch chung giữa nghệ sĩ Việt Nam với nghệ sĩ Mỹ, Pháp;… tác phẩm điện ảnh chung giữa Việt Nam với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật,… Đặc biệt, việc khai thác một số loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc, như rối nước, đã mang lại giá trị giao lưu văn hóa và kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế. Hội nhập quốc tế sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi để phát triển, nâng cao hệ thống thiết chế văn hoá mới, góp phần xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, lưu giữ giá trị văn hoá, quảng bá  bản sắc văn hoá dân tộc với thế giới, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới làm giàu  bản sắc văn hoá dân tộc, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong  hội nhập quốc tế. Hội nhập với thế giới cũng tạo điều kiện cho hình ảnh văn hóa Việt Nam tỏa sáng trên bầu trời nhân loại. Kể từ năm 1993, sau khi quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đến nay, Việt Nam đã có 20 di sản được vinh danh. Điều đáng nói là, trong số 20 di sản văn hóa thế giới của Việt Nam được UNESCO vinh danh trong hơn hai thập niên qua, chỉ có 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp, còn lại là 17 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Văn hóa không chỉ là diện mạo, hình ảnh của quốc gia, mà còn là sức sống bền bỉ và sức mạnh to lớn của cộng đồng dân tộc. Các di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận đã khẳng định vị thế của Việt Nam trong làng văn hóa thế giới, làm phong phú thêm bức tranh đa sắc, những giá trị tảng nền, chiều sâu của văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt Nam đã vượt ra khỏi phạm vi biên giới quốc gia và đang nỗ lực để xác lập vị trí mới trên bản đồ văn hóa khu vực, thế giới.
Không có một dân tộc nào trong tiến trình lịch sử lại không thường xuyên giao lưu, hội nhập văn hoá để làm giàu và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc. Mặt khác, cũng hiếm thấy nền văn hoá dân tộc nào tồn tại và phát triển chỉ nhờ “nhập khẩu” văn hoá của các nước khác mà phải có văn hoá gốc, phải từ nội lực của chính mình. Đó là vấn đề mang tính qui luật, là xu thế tất yếu khách quan quá trình phát triển văn hoá dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét