Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

TƯ TƯỞNG “DÙNG NGƯỜI” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi vấn đề con người là một mục tiêu thiêng liêng, cao cả nhất. Nó trở thành mục tiêu, lý tưởng, được toả sáng trong từng suy nghĩ, cử chỉ, hành động của Người. Tuy không có một tác phẩm nào bàn riêng về con người, nhưng tư tưởng về phát huy nhân tố con người lại được thể hiện một cách đa dạng, phong phú, trở thành một tư tưởng xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Thực hiện tư tưởng của Người, sự nghiệp cách mạng ở nước ta nói chung, quá trình đấu tranh giành và giữ vững độc lập, tự do của Tổ quốc nói riêng đã và đang phát huy cao độ nhân tố con người, qua đó, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn và sức mạnh của con người Việt Nam.
Trong toàn bộ cuộc đời hoạt động của mình, trên cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh đã xác lập những quan điểm cơ bản về dùng người, sử dụng và phát huy nhân tố con người với tinh thần thực sự cách mạng và khoa học. Trong những năm đầu vô cùng khó khăn của chính quyền cách mạng, Hồ Chí Minh viết một loạt bài “về việc tiếp chuyện các đại biểu”; “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”; “Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các uỷ ban nhân dân”, “Nhân tài và kiến quốc”,Sửa đổi lối làm việc”Trong bài “Tìm người tài đức” ngày 20-11-1946, với những lời lẽ rất chân thành, kính trọng, Người viết: “Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc chắn không thiếu người có tài có đức. Vì chính phủ nghe không thấy, thiếu không đắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân…Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng”. Theo Người, dùng người thực chất là phát huy mọi tiềm năng của nhân tố con người nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp cho khối đại đoàn kết dân tộc để giải quyết những nhiệm vụ cách mạng. Mục tiêu của dùng người là đạt tới “Nhân hoà”. Cho nên dùng người không bó hẹp ở phạm vi giai cấp, đoàn thể nhất định mà là tất cả mọi người: đàn ông, đàn bà, người già, trẻ, gái, trai, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Không chỉ người trong Đảng, của Việt Minh mà còn rất nhiều người tài đức ở ngoài, thậm chí dùng cả những người “không kháng chiến, những người “dinh tê” cũng không khinh rẻ họ, mà phải giúp đỡ cho họ tiến bộ, để họ cùng ta làm việc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương, phát huy nhân tố con người trên nền tảng dùng người tài. Người tài hay nhân tài được hiểu theo nghĩa rộng rãi nhất: “tài to, tài nhỏ”; “người có danh vọng”, “người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi của Tổ quốc, nhân dân”, “người hiền tài”, “hiền năng”, “người hay, người giỏi” nhưng có chung mục đích “vì quyền lợi của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào”. Đặc biệt, theo Người, dùng người phải cho đúng và khéo; giữa đúng và khéo có quan hệ chặt chẽ với nhau, đúng mà không khéo thì kết quả sẽ bị hạn chế. Khéo mà không đúng thì nhất định sẽ hỏng việc, có khi còn hỏng cả “người”. Đúng là yêu cầu cơ bản đầu tiên, vì có đúng thì sẽ thể hiện khéo, chọn đúng người là thực chất của việc dùng người, là một khoa học. Khéo phải đảm bảo dẫn đến cái đúng, cái khách quan, khéo là một nghệ thuật. Người cũng nhấn mạnh đến việc sử dụng những nhân tài ngoài Đảng; khéo kết hợp cán bộ trẻ với cán bộ già, thưởng phạt công minh, phải biết sử dụng đội ngũ những người có khả năng làm việc vì lợi ích chung, chứ không phải bè cánh, tụ tập quanh mình những kẻ nịnh hót, cơ hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét