Kế thừa tinh hoa tư tưởng văn hóa dân tộc và nhân loại, tiếp
thu, vận dụng, phát triển một cách sáng tạo học thuyết Mác - Lênin, Hồ Chí Minh
đã nâng tư tưởng về con người lên một tầm cao mới, hình thành nên chủ nghĩa
nhân văn Hồ Chí Minh.
Người không
dùng thuật ngữ “nhân tố con người” mà thường dùng các từ như “sức dân”, “sức
người”, “tài dân”, “lực lượng của dân”… nhưng về thực chất trong tư tưởng Hồ
Chí Minh luôn đề cao vai trò nhân tố con người trong cách mạng Việt Nam. Người
đề cập đến nhân tố con người ở ba cấp độ là: Nhân dân nói chung; công nhân,
nông dân, trí thức, bộ đội, cán bộ và mỗi một con người cụ thể – tức là nhân
dân lao động (trừ bọn Việt gian, phản động). Người từng khẳng định: “Chữ Người,
nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước.
Rộng nữa là cả loài người”. Vai trò con người chính là vai trò của quần chúng
nhân dân, người sáng tạo chân chính ra lịch sử chứ không phải “vài ba cá nhân
anh hùng nào”. Theo Người, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”; “quyền
hành và lực lượng đều ở nơi dân”, nhân dân luôn luôn đặt vào địa vị cao nhất, địa
vị làm chủ trong những vấn đề quan trọng nhất của cách mạng và xã hội.Dân vừa
là chủ nhưng dân vừa thực hiện công việc làm chủ, vừa là chủ thể, vừa là khách
thể, vừa là lực lượng, động lực vừa là mục tiêu của cách mạng Việt Nam.
Sự nghiệp đấu tranh giải
phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng đời sống mới, tiến lên xã hội chủ
nghĩa đều phải bắt đầu từ vốn con người, từ việc phát huy nhân tố con người.
Theo Người, một lẽ rất đơn giản dễ hiểu là vô luận việc gì, đều do người làm
ra, “Tất cả của cải vật chất trong xã hội đều do công nhân và nông dân làm ra.
Nhờ sức lao động của công nhân và nông dân, xã hội mới sống còn phát triển”.
Người giải thích cơ sở khoa học cho vai trò đó xuất phát từ chỗ: “Lực lượng dân
chúng nhiều vô cùng… dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản,
mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi
không ra”. Con người đóng vai trò là động lực
to lớn, quyết định đối với mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng “dân
là vốn quý nhất, có dân là có tất cả” “Dễ mười lần không dân cũng chịu; khó
trăm lần dân liệu cũng xong” cho thấy, trong tư tưởng của Người, nhân tố con
người là nguồn lực quan trọng nhất, nguồn lực của mọi nguồn lực.
Như vậy, trong
tư tưởng Hồ Chí Minh nhân tố con người là vốn quý nhất, là động lực vĩ đại,
nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Dân là vốn quý nhất, có
dân là có tất cả, nên phải bắt đầu từ nhân tố con người, vì con người, cho con
người và trở về với con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét