Các sự kiện trong lịch sử dân tộc Việt Nam cho
thấy mối quan hệ giữa độc lập và tự do luôn luôn gắn bó với nhau. Khi cách mạng
chưa thành công thì độc lập là điều kiện, là tiền đề của tự do. Khi cách mạng
đã thành công thì tự do luôn gắn liền với độc lập dân tộc. Nói cách khác, không
bảo vệ được độc lập dân tộc thì sẽ không còn tự do. Hoàn toàn không có chuyện
đòi “tự do”, khi dân tộc đã độc lập, khi Nhà nước đã hoàn toàn thuộc về nhân
dân.
Khẩu hiệu “Tự do không hề miễn phí” về bản chất
là thủ đoạn kích động người dân, gây bạo loạn chống lại chính quyền, ngoài ra
không có mục tiêu gì khác. Tính thâm độc của khẩu hiệu này ở chỗ, chúng đã đánh
tráo khái niệm “tự do” với khái niệm “bạo loạn”, bằng cách đặt khái niệm này
trong bối cảnh chính trị khi dân tộc ta đã có độc lập, đã có Nhà nước pháp quyền
XHCN của dân, do dân, vì dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Không phủ nhận rằng xã hội Việt Nam hiện nay
còn không ít vấn đề cần giải quyết. Chẳng hạn, tình trạng phân hóa giàu nghèo
chưa được thu hẹp; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống chính trị
các cấp; tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn hiệu quả... Những
điều đó Đảng Cộng sản Việt Nam không hề giấu giếm. Các Nghị quyết Trung ương 4
(khóa XI và khóa XII) đã chỉ ra các biểu hiện của căn bệnh này và yêu cầu cấp ủy
các cấp, các đảng viên phải đấu tranh khắc phục.
Không những thế, thể chế của Nhà nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay, cũng như Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã
tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh nhằm làm cho xã hội, Nhà nước ngày càng trở nên
trong sạch, lành mạnh hơn.
Về thể chế, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đảng
Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Đảng Cộng sản Việt
Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân
dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; các tổ chức
của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến
pháp và pháp luật” (Điều 4).
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể
chính trị-xã hội, không chỉ bảo vệ quyền lợi của tổ chức mình mà còn có chức
năng giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính
quyền.
Hiến pháp năm 2013 và hệ thống pháp luật Việt
Nam ngày nay đã có các quy định đầy đủ về quyền con người và quyền công dân,
trong đó có những quyền về chính trị “nhạy cảm” như quyền tự do ngôn luận báo
chí. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào… Không ai được xâm phạm tự do tín
ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật” (Điều
24). “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội
họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”
(Điều 25).
Như vậy, khuôn khổ chính trị-pháp lý về các
quyền con người nói chung, quyền tự do nói riêng là đầy đủ. Những kẻ trưng ra
cái gọi là khẩu hiệu “Tự do không hề miễn phí” về thực chất là lời kêu gọi bạo
loạn, hòng lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, mục
tiêu lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, các thế lực thù địch đã tiến
hành trong nhiều thập kỷ qua, nhưng không đánh lừa được nhân dân Việt Nam và rốt
cuộc chúng chỉ nhận được thất bại. Bởi, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là
ước nguyện của cả dân tộc; là con đường mà dân tộc Việt Nam đã đồng lòng, đoàn
kết tự nguyện lựa chọn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét