Chủ
tịch Hồ Chí Minh luôn coi con người là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng. Tuy
nhiên, Người luôn chú ý đến mức độ mục tiêu đạt được trong điều kiện cụ thể của
từng giai đoạn cách mạng. Từ mục tiêu tổng quát của cách mạng là, giải phóng
dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, phải đặc biệt quan tâm đến
các mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trước khi giành được chính
quyền thì mục tiêu cao nhất là độc lập dân tộc “Trong lúc này quyền lợi dân tộc
giải phóng cao hơn hết thảy”. Sau khi giành được chính quyền, ngày 10-1-1946, tại
cuộc họp của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Hồ Chí Minh yêu cầu chúng ta
phải thực hiện ngay: “Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ
ở. Làm cho dân có học hành”. Khi miền Bắc đi vào khôi phục nền kinh tế, hoàn
thành cải cách ruộng đất, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vào việc phải “nâng cao dần mức
sống của nhân dân… đồng thời giảm nhẹ sự đóng góp của nông dân”. Trong bối cảnh
tập trung đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam, tại Hội nghị của Bộ Chính trị,
ngày 30-7-1962, Hồ Chí Minh đặt vấn đề: Ta phải tính cách nào, nếu cần có thể
giảm bớt một phần xây dựng, để giải quyết vấn đề ăn và mặc của quần chúng được
tốt hơn nữa, đừng để cho tình hình đời sống căng thẳng quá. Vấn đề con người là
hết sức quan trọng. Nhà máy cũng cần có thêm, có sớm, nhưng cần hơn là con người,
là sự phấn khởi của quần chúng. Làm tất cả là do con người… Làm cho quần chúng
hiểu chủ nghĩa xã hội đúng hơn. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn
quyết liệt, thì mục tiêu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” lại ở bậc cao của
thang giá trị dân tộc. Mục tiêu con người gắn chặt với chủ quyền dân tộc. Tại kỳ
họp Quốc hội khóa III, ngày 10-4-1965, Hồ Chí Minh kêu gọi: Lúc này, chống Mỹ,
cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước. Ngay
trong thời điểm lịch sử vô cùng khó khăn đó, phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị
lần thứ 12, khóa III Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháng 12-1965, Hồ Chí Minh
lưu ý: “Chúng ta phải hết sức chăm lo đến đời sống của nhân dân, nhất là đời sống
của các cháu, của các gia đình thương binh, liệt sỹ, đời sống của nhân dân ở
các vùng bị bắn phá nhiều… những gia đình thu nhập thấp, đông con”. Và nếu tờ
báo Người cùng khổ, số 1, nêu mục tiêu là giải phóng con người thì sau này bản
Di chúc của Người cũng nêu công việc đầu tiên là đối với con người. Điều đó cho
thấy, cái “bất biến” trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tất cả vì con người để ứng với
cái “vạn biến” của lịch sử đặt ra. Mục đích chung là giải phóng con người thoát
khỏi áp bức, bóc lột, được sống sung sướng tự do, nhưng phải tùy theo điều kiện
để tiến dần từng bước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét