Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

NỘI DUNG CỐT LÕI CỦA QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG

Trước hết, cần thấy rằng đây không phải là vấn đề mới mà thực tế là Đảng ta đã có các quy định liên quan. Quy định số 101-QÐ/TW về trách nhiệm nêu gương (TNNG) của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, đã được đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, thay mặt Ban Bí thư ký ban hành ngày 7-6-2012. 
Việc ban hành Quy định về TNNG lần này là cụ thể hóa Quy định 101-QĐ/TW, trong đó xác định rõ các chủ thể trước hết phải nêu gương là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Qua thảo luận, cũng có một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng áp dụng quy định là các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Về nội dung, dự thảo văn bản này quy định TNNG một cách toàn diện, từ tư tưởng, chính trị, đến đạo đức lối sống, bao gồm: Trung thành tuyệt đối, kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; luôn luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc làm tối thượng; thực sự dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch và giữ vững nguyên tắc trong công tác cán bộ; minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập.
Đặc biệt, theo dự thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín. Ngoài ra, dự thảo Quy định mới này còn yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải tránh “tư duy nhiệm kỳ”; không được tạo lập “sân sau”, thiết lập “lợi ích nhóm”; sử dụng tiền, tài sản của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm giàu bất chính, vụ lợi…
Có thể nói, những vấn đề dự thảo Quy định TNNG đã đưa ra những quy định cụ thể, sát với tình hình chính trị, xã hội hiện nay, nhất là những biểu hiện mới của tình trạng suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII. Dư luận xã hội đánh giá cao nội dung này của Trung ương. 
Thực tế cho thấy, đây không phải là lần đầu Đảng ta đưa ra những quy định nhằm ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong Đảng. 
Gần đây có thể lấy Quy định 102, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. 
Phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc của Quy định 102 là tất cả “đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định”. 
Nguyên tắc là “tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời”. 
Về hình thức xử lý kỷ luật có: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo. Đối với đảng viên đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức và đã qua đời thì không xem xét kỷ luật…
Như vậy có thể nói Quy định 102 rộng hơn dự thảo Quy định TNNG về đối tượng áp dụng. Mặt khác, dự thảo Quy định về TNNG khuyến khích đối với cán bộ cấp cao “chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín”. Có thể nói đây là một quy định nhân văn, dựa trên nguyên tắc tự nguyện của cán bộ đảng viên. Thời gian qua, không ít cán bộ cấp cao của Đảng đã bị xử lý kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước.
Viết, tán phát bài, hình ảnh trên internet, mạng xã hội, tung thông tin sai trái, xuyên tạc sự thật nhằm chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước ta là thủ đoạn mà các thế lực thù địch, phản động đang triệt để lợi dụng. Nhưng tung tin xuyên tạc về Quy định TNNG là điều trơ trẽn, kiểu nói lấy được, không có bất cứ cơ sở nào. Trò xuyên tạc, chống phá đó rõ ràng không thể lừa bịp được ai mà chỉ tự phơi bày dã tâm của chúng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét