Hội nhập đã trở thành một xu thế lớn của thế giới hiện
đại, tác động mạnh mẽ đến quan hệ quốc tế và đời sống của từng quốc gia. Trong
những năm qua, Việt Nam đã chủ động và tích cực hội nhập quốc tế nhằm tranh thủ tối
đa các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Các giá trị cốt lõi trong bản sắc văn
hóa dân tộc tiếp tục được kiểm nghiệm, khẳng định giá trị bền vững và được nâng tầm trong điều kiện mới. Tuy nhiên, cũng chính trong quá trình đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống
của dân tộc đang bị mai một, biến dạng. Những giá trị cốt lõi, nổi trội và đặc sắc nhất trong bản sắc văn hóa dân
tộc như lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, nhân ái cao cả, thương người… có vai trò và ý nghĩa cực kỳ to lớn đối
với lịch sử trường tồn, ổn định và phát triển bền vững của dân tộc đã và đang có
dấu hiệu phai nhạt.
Hiện nay, đã xuất hiện những biểu hiện về cách sống, lối sống xa lạ, trái với
giá trị chuẩn mực xã hội, mưu lợi ích cá nhân, đề cao các giá
trị vật chất, xem nhẹ các giá trị tinh thần, chà đạp lên khuôn mẫu, giá trị văn hóa đích thực ở một bộ
phận trong các tầng lớp, các thành phần xã hội. Đó là một trong những tác nhân
dễ làm suy thoái, xói mòn giá trị cốt lõi trong bản sắc văn hóa dân tộc, dễ làm
hạ thấp và đánh mất ưu thế giá trị con người Việt Nam. Hội nhập quốc tế dễ tạo
ra những tác nhân làm suy giảm hệ giá trị cốt lõi trong bản sắc văn hóa dân tộc,
dễ dẫn tới nguy cơ đánh mất cả một thế hệ, gây hậu quả khôn lường đối với sự tồn
vong của cả một dân tộc. Đặc biệt, là văn hóa của các dân tộc rất ít người đã và đang bị đồng hóa, ở nhiều địa bàn cư trú chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số như
Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… nhiều sinh hoạt văn hóa cộng
đồng, nhiều giá trị văn hóa độc đáo đang dần bị lãng quên, hoặc bị biến dạng. Thực tiễn trên là đáng báo động, ảnh
hưởng trực tiếp đến quá trình bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong
thời kỳ hội nhập quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét