Trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh,
huyện và làng”, đăng trên Báo Cứu quốc, số 69, ngày 17 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch
Hồ Chí Minh viết: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc
lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Cách mạng Tháng Tám thành công dẫn đến sự ra đời
nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Đất nước ta, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới,
kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, đã xuất hiện một bộ
phận nhỏ cán bộ có tư tưởng công thần, hách dịch, vun vén lợi ích cá nhân, thiếu
sâu sát, thiếu quan tâm đến đời sống của quần chúng nhân dân, gây bức xúc dư luận.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm phát hiện, Người viết bài đấu tranh, lên án gay gắt và
nghiêm khắc chấn chỉnh.
Suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh luôn mưu cầu cuộc sống
tốt đẹp cho mỗi con người, quyền có cuộc sống ấm no, được học hành, được chăm
sóc sức khỏe, trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, người già, người nghèo, người
tàn tật được giúp đỡ. Các quyền con người về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã
hội được chú trọng và hoàn thiện. Ở Bác, quyền dân tộc và quyền con người là thống
nhất trong cả nhận thức và hành động, trong quan điểm, đường lối, chính sách và
pháp luật mà Người mong muốn thực hiện. Không có độc lập chân chính, bền vững
thì không thể thực hiện được quyền con người và thực hiện ngày càng tốt hơn các
quyền cơ bản, thiết thực của con người.
Quán triệt tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước
và nhân dân ta đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới vì mục
tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, quan tâm chăm lo
nâng cao đời sống về mọi mặt của nhân dân; chú trọng phát huy nhân tố con người
trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những nhiệm vụ trọng tâm đó là sự thống
nhất giữa quyền và lợi ích dân tộc với quyền, lợi ích và nghĩa vụ của con người,
của công dân, như tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu.
Học tập và làm theo lời Bác dạy, cấp ủy, chỉ
huy các cấp trong Quân đội luôn tập trung lãnh đạo, chỉ huy đơn vị hoàn thành
xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh,
đơn vị vững mạnh toàn diện. Thường xuyên quan tâm, chăm lo bảo đảm tốt nhất đời
sống vật chất, tinh thần của bộ đội; coi đây là trách nhiệm, là tình cảm với bộ
đội; hết lòng chăm lo xây dựng đơn vị, tôn trọng và thương yêu cấp dưới
như “chân với tay”, để bộ đội yên tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ.
Kiên quyết chống biểu hiện xa rời cấp dưới, quan liêu, hách dịch, vô cảm… thật
sự làm cho cấp dưới kính trọng, tin tưởng, học tập và noi theo, góp phần giữ
gìn và phát huy phẩm chất cao đẹp“Bộ đội Cụ Hồ” - một nét đẹp văn hóa độc
đáo, đặc sắc của Quân đội trong thời đại Hồ Chí Minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét