Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

GIẢI PHÁP PHÁT HUY NHÂN TỐ CON NGƯỜI THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Muốn phát huy nhân tố con người đòi hỏi Đảng, Chính quyền, mỗi cá nhân nhân phải có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của nhân tố con người; phải có lòng thương yêu vô hạn, sự cảm thông, sự tin tưởng tuyệt đối vào con người, ý chí đấu tranh để giải phóng con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa”. Theo Người, người đời không phải Thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm nên phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ. Sự thông cảm, tha thứ, độ lượng, khoan dung... đã hình thành nên bao dung Hồ Chí Minh mà điều bao dung lớn nhất có thể là sự lắng nghe, tôn trọng chính kiến, tư tưởng người khác, không lấy ý kiến của mình, tư tưởng của mình để áp đặt, bác bỏ, loại trừ chính kiến, tư tưởng người khác. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên “trước hết phải tin tưởng lực lượng và trí tuệ của nhân dân là vô cùng vô tận”, từ việc làm, lời nói đến cách ăn ở, phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu. Thương yêu vô hạn, cảm thông, tin tưởng tuyết đối vào con người, quyết tâm phấn đấu giải phóng con người trở thành tiền đề đầu tiên để có thể phát huy, huy động được nhân tố con người.
Để phát huy nhân tố con người, Hồ Chí Minh cùng tập thể Đảng, Chính phủ đã hoạch định, xác lập một hệ thống chính sách tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với thực tiễn, phục vụ cho lợi ích của dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, bao quát các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là những vấn đề an sinh xã hội. Trong kinh tế, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến chính sách phát triển sản xuất và tiền lương phải hợp lí.Về mặt xã hội, cần thi hành một hệ thống chính sách xã hội hướng tới con người, giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, giữa lợi ích riêng và lợi ích chung.
Muốn hình thành những động cơ, mục đích đúng đắn cho con người trong hoạt động, cần đề cao chính sách vận động, tuyên truyền, giáo dục. Hồ Chí Minh khẳng định: Để cho dân tin, dân theo, dân ủng hộ, để nhân tố con người được phát huy thì phải quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, quyền lợi của con người phải được bảo vệ mà tiền đề quan trọng nhất để những quyền lợi ấy được bảo vệ là ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật. Có hiến pháp, pháp luật nhưng điều cơ bản theo Hồ Chí Minh là phải hiện thực hoá nó qua những cuộc vận động, các phong trào cách mạng để đảm bảo quyền dân chủ, vì “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”, có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên. Hồ Chí Minh nhắc nhở: Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Hồ Chí Minh coi việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải được quan tâm đến trước hết trong sự nghiệp trồng người bởi vì “Cán bộ là gốc của công việc”. Bên cạnh đó, Người quan tâm thường xuyên đến giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, người chủ tương lai của nước nhà.
Trong toàn bộ di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc và nhân loại, tư tưởng về phát huy nhân tố con người là một bộ phận đặc biệt quan trọng, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Theo Người, dân là vốn quý nhất, có dân là có tất cả, nên phải bắt đầu từ nhân tố con người, vì con người, cho con người và trở về với con người. Vì vậy, theo Người cần đề ra hệ thống các giải pháp toàn diện, coi việc thực hiện đúng đắn các giải pháp đó là khâu then chốt, quyết định thành công trong bài toán phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét