Thông tin là sức mạnh, vì thế việc kiểm soát tốt
thông tin, nhất là những thông tin chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế,
khoa học có vai trò quan trọng quyết định đến sự lớn mạnh, ổn định, phát triển
của mỗi quốc gia. Trên mặt trận tư tưởng, thông tin là hạt nhân, là cầu nối
quan trọng giữa chủ thể truyền phát (cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã
hội) với chủ thể tiếp nhận (công chúng). Đó là mối quan hệ, tương tác hai chiều,
tác động qua lại và chi phối lẫn nhau. Thông tin tốt sẽ định hướng, tập hợp được
quần chúng, tạo sự đồng thuận cùng hướng đến những lý tưởng mục tiêu tốt đẹp.
Trái lại, những thông tin xấu, độc có tác động tiêu cực, gây hoang mang, dao động,
suy giảm niềm tin; kích động bạo lực, lật đổ với mưu đồ chia rẽ khối đại đoàn kết
dân tộc, làm thay đổi nhận thức, hành động của con người theo chiều hướng xấu,
tạo sự khủng hoảng và những cơn dư chấn mạnh trong đời sống chính trị - xã hội,
gây “những tổn thương tinh thần” cho nhiều thế hệ… Do vậy, việc kiểm soát tốt
thông tin với tính chất là khâu đầu tiên “thanh lọc” những vấn đề tốt - xấu để
định hướng, tuyên truyền, mang đến cho người tiếp nhận những tri thức hữu ích
nhằm không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên ngành, phục vụ tốt
nhất cho hoạt động sản xuất vật chất và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân
dân là việc làm cần thiết, cấp bách, lâu dài, có ý nghĩa chiến lược.
Kiểm soát thông tin, trách nhiệm đầu tiên thuộc
về cơ quan quản lý, các tổ chức đoàn thể chính trị, nhưng vai trò của chủ thể
nhân dân cũng không kém phần quan trọng. Việc chủ động, nâng cao trình độ nhận
thức sẽ là những điều kiện đầu tiên, căn bản để người dân tự kiểm soát, chắt lọc,
nhận diện thông tin.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay với
sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, internet mang lại những cơ hội
thuận lợi để con người ở các châu lục có điều kiện tiếp cận, trao đổi, giao lưu
một cách dễ dàng, thuận tiện, nhanh nhạy trên mọi lĩnh vực, không phân biệt màu
da, dân tộc, giai tầng, lứa tuổi; giúp các quốc gia, dân tộc xích lại gần với
nhau hơn; xóa nhòa khoảng cách về không gian địa lý, mở ra những cơ hội, vận hội
mới để cùng nhau hợp tác, phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực
thì mặt trái của internet, mạng xã hội cũng gây ra những hệ lụy không nhỏ, tác
động tiêu cực đến đời sống tư tưởng, tình cảm con người, nhất là tầng lớp thanh
thiếu niên. Trên không gian mạng hiện nay, bên cạnh những thông tin chính thống,
phản ánh sự thật lại là sự áp đảo của các thông tin xuyên tạc, bịa đặt được
cung cấp bởi các thế lực thù địch, các nhà mạng nước ngoài. Sự tràn ngập của
các thông tin tốt - xấu lẫn lộn, sự xâm lăng văn hóa, sự xuất hiện của những xuất
bản phẩm kém giá trị, sự lộng hành của các trang web “đen”, những hạn chế, yếu
kém trong công tác quản lý truyền thông… đang tạo những nguồn cơn dẫn đến nguy
cơ của cuộc chiến tranh mới mà Đại hội XII của Đảng gọi là “chiến tranh cục bộ,
chiến tranh mạng”(1), đe dọa đến sự an toàn, an ninh con người ở nước ta hiện
nay.
Một trong những thách thức trong công tác tư
tưởng là sự nhiễu loạn của hệ thống thông tin với những tin tốt - xấu lẫn lộn,
khó kiểm soát. Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự trỗi dậy của các
nhóm, thế lực phản động, chúng đã tận dụng những ưu thế vượt trội của công nghệ
số, mạng xã hội để tuyên truyền những tư tưởng độc hại nhằm gây nhiễu thông tin
chính thống, làm ô nhiễm môi trường, không gian mạng, gây hoang mang dư luận;
phá vỡ niềm tin và cắt đứt sợi dây liên kết giữa Đảng với nhân dân, nhất là vào
những thời điểm mang ý nghĩa chính trị - lịch sử quan trọng như trước và sau
các kỳ Đại hội Đảng, các ngày lễ kỷ niệm, các sự kiện trọng đại của đất nước với
tần số bài viết đăng tải lớn trên nhiều kênh, phương tiện truyền thông nhằm bôi
nhọ danh dự, nhân phẩm của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, gây sự chú
ý, tò mò của công chúng, làm lạc hướng dư luận. Không chỉ tấn công vào hệ thống
chính trị trong những thời điểm cụ thể mà hằng ngày, hằng giờ trên không gian mạng,
các trang web có nội dung thiếu lành mạnh, cắt ghép hình ảnh, thêm bớt thông
tin theo chiều hướng bất lợi xuất hiện liên tục, bàn luận đến nhiều vấn đề, sự
kiện trong nước, chủ yếu xoáy sâu vào những góc khuất, những mặt trái của xã hội
với cái nhìn định kiến, bịa đặt, xuyên tạc, kình địch với con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội, phủ nhận những thành quả cách mạng trong công cuộc đổi mới của nước
ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét