Khi chúng ta thực
hiện chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, bên cạnh những “luồng gió mát”, cũng
có không ít “luồng gió độc” tràn vào nước ta, cản trở sự phát triển. Lối sống, cách sống xa lạ, trái với những giá
trị chuẩn mực tốt đẹp của xã hội, bất chấp những truyền thống tốt đẹp của dân
tộc đã và đang xâm nhập vào đời sống xã hội. Nhiều sản phẩm văn hoá ra đời vội
vã, chạy theo lợi nhuận và hiệu quả thương mại hoặc chiều theo thị hiếu tầm
thường, quay lưng lại với những giá trị tinh thần cao đẹp, tạo ra những chướng
ngại cho việc nâng cao mặt bằng dân trí. Văn hoá hình chiếm lĩnh hết cả không
gian và thời gian, uy hiếp văn hoá đọc, văn hoá chữ, tạo cho thanh thiếu niên
sức ỳ và sự lười biếng. Nhiều người bị trói chặt vào màn hình, màn số, mải mê
với thú vui ẩm thực, nhạc mới, thời trang…mà quên đi những lĩnh vực tinh thần
phong phú và đa dạng có chiều sâu văn hoá. Hậu quả của những tác động tiêu cực
đó dẫn tới một bộ phận trong các tầng lớp, thành phần xã hội thiên về mưu cầu
lợi ích cá nhân đã chà đạp lên những khuôn mẫu, những giá trị đạo đức đích thực
của xã hội. Không ít người trong lớp trẻ hiện nay có tâm lý học đòi cách sống
thực dụng, buông thả, sùng bái đồng tiền, tiêu dùng phương Tây, quay lưng lại
với văn hoá, đạo đức truyền thống. Những phong tục tập quán được coi là thuần
phong mỹ tục, nay được thế hệ trẻ coi là “cổ hủ”, lỗi thời. Sự thâm nhập
của văn hóa độc hại, của sự lai căng văn hóa, của lối sống thực dụng và những
tiêu cực khác, đã và đang ảnh hưởng, làm băng hoại những giá trị văn hóa truyền
thống, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó, chủ động
hội nhập quốc tế nhưng cũng phải chủ động đấu tranh với những biểu hiện
sai trái như những khuynh hướng sùng ngoại, lai căng, mất gốc, khắc phục tâm lý
sùng bái đồng tiền, bất chấp đạo lý, coi thường các giá trị nhân văn. Kiên
quyết đấu tranh chống lại hệ tư tưởng tư sản, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn
hoá nhân loại, trên cơ sở giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét