Như chúng ta đều biết, tư tưởng nhân văn Hồ
Chí Minh bao gồm nhiều bộ phận hợp thành. Về nội dung, tư tưởng nhân văn Hồ Chí
Minh thật rộng lớn, bao quát hết các mặt bản chất con người, đời sống cá nhân
và đời sống cộng đồng, môi trường tồn tại, các nhu cầu thể hiện và khát vọng
làm chủ mọi mặt cuộc sống...; về hình thức thể hiện, tư tưởng nhân văn Hồ Chí
Minh rất phong phú, đa dạng, rất cô đọng, khái quát, lại rất cụ thể mà không hề
trừu tượng, gần gũi với cuộc sống làm người và ai cũng có thể áp dụng được để tự
hoàn thiện tính người, hoàn thiện nhân cách làm người.
Vậy, tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là gì? Đây
là một vấn đề khó, không thể ngay một lúc đã có lời giải đáp thỏa đáng. Cho đến
nay, khi xác định nội hàm khái niệm tư tưởng và giá trị nhân văn Hồ Chí Minh vẫn
đang tồn tại một số cách nhìn nhận và ý kiến tương đối khác nhau.
Một số người đặc biệt nhấn mạnh tới cuộc đời
"vì nghĩa quên mình," sống khiêm tốn, bình dị, hòa nhập với mọi người,
không màng danh lợi cho bản thân của mình và xem đó là nội dung cốt lõi của tư
tưởng và giá trị nhân văn Hồ Chí Minh.
Có nhà nghiên cứu lại cho rằng chủ nghĩa nhân
văn Hồ Chí Minh toát ra từ cuộc đời liên tục đấu tranh không biết mệt mỏi của
Người nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội để cuối cùng đi đến giải phóng
con người. Nói cách khác, theo các tác giả trên thì đạo đức, nhân cách và cuộc
đời thanh bạch của Hồ Chí Minh là một trong những nội dung quan trọng làm thành
tư tưởng, giá trị nhân văn của Người.
Trong nghiên cứu về tư tưởng, giá trị nhân văn
Hồ Chí Minh còn xuất hiện một số ý kiến khác của nhiều học giả, các nhà hoạt động
chính trị, xã hội nước ngoài. Họ cho rằng, trong con người Hồ Chí Minh có sự kết
hợp hài hòa giữa chủ nghĩa nhân văn với nhiệt tình và tinh thần cách mạng.
T.N. Kaun, Chủ tịch Trung tâm Ấn Độ nghiên cứu
về Đông Dương đã cho rằng: "Bác Hồ..., Người đại diện cho sự vĩ đại vốn có
của nhân dân Việt Nam, bình dị, chuyên cần, yêu quý trẻ thơ và thanh niên, thẳng
thắn, trung thực, chân thành và một ý thức mạnh mẽ về nhân văn kết hợp với nhiệt
tình có tinh thần cách mạng."
Còn tiến sỹ M.At-mét, Giám đốc UNESCO khu vực
châu Á ‒ Thái Bình Dương cũng nói đại ý: Trong khi chiến đấu cả đời mình chống
lại ách thống trị thực dân, Người vẫn là một nhà nhân văn chân chính trong tư
tưởng và hành động.
Rõ ràng, ở đây cần phân biệt tư tưởng nhân văn
Hồ Chí Minh với nhân cách và hành động cách mạng của Người. Đương nhiên, tư tưởng
nhân văn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí
Minh và chính cuộc đời của Người lại là một tấm gương, một biểu hiện cụ thể,
tiêu biểu nhất của chủ nghĩa nhân văn cao cả.
Từ việc nhận thức khái quát quá trình hình
thành, phát triển, các nội dung chủ yếu tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, có thể
hình dung diện mạo của tư tưởng đó, chúng tôi cố gắng đi vào xác định khái niệm
khoa học. Việc định nghĩa khái niệm "Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh"
phải xuất phát từ định nghĩa khái niệm rộng lớn hơn "Tư tưởng Hồ Chí
Minh" và góp phần vào việc cụ thể hóa, xác định rõ hơn khái niệm này. Khi
định nghĩa khái niệm "Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh," chúng tôi dựa
vào các nguyên tắc phương pháp luận Mác.
Một là, làm rõ nội hàm với những đặc trưng cơ
bản của khái niệm. Công việc này được tiến hành trên cơ sở tài liệu, sự kiện
chính xác và cần đến các khái quát lý luận khoa học, những nhận định mang tính
lý thuyết, quan điểm.
Hai là, phải rút ra cái cốt lõi, bản chất của
sự kiện, những quy luật vận động tác động đến nó.
Ba là, mối quan hệ giữa nội dung tư tưởng với
thực tiễn cuộc sống.
Từ những vấn đề trên, có thể đưa ra quan niệm:
"Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là một bộ phận hợp thành, xuyên suốt tư tưởng
Hồ Chí Minh, bao gồm hệ thống các quan điểm lý luận được rút ra từ thực tiễn
cách mạng, từ sự kế thừa và phát triển những giá trị nhân văn của dân tộc và thời
đại mà đỉnh cao là chủ nghĩa nhân đạo Mác ‒ Lênin, phản ánh tình yêu thương,
quý trọng, quan tâm, bao dung, độ lượng đến con người và niềm tin vững chắc vào
sức mạnh của con người; phản ánh con đường giải phóng con người một cách triệt
để nhằm xây dựng một chế độ xã hội trong đó con người có điều kiện phát triển
toàn diện và phát huy hết mọi năng lực sáng tạo vốn có của mình".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét