Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

THỰC CHẤT CỦA ĐA NGUYÊN CHÍNH TRỊ, ĐA ĐẢNG ĐỐI LẬP LÀ GÌ?


Vấn đề đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không phải là vấn đề mới, nó xuất hiện và được bàn luận, đề cập nhiều từ thế kỷ XIX, khi giai cấp tư sản đang độc quyền thống trị xã hội. Lúc đầu, tư tưởng "đa nguyên luận" nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng độc quyền, mất dân chủ của giới tài phiệt và một số chính trị gia tư sản, bảo vệ quyền lợi của các tầng lóp dân cư và lợi ích của một số nhóm nhỏ trong xã hội. Tuy nhiên, tư tưởng "đa nguyên luận" không đạt được mục đích của mình là dân chủ hoá xã hội mà chỉ hình thành nên một số đảng phái trong xã hội nhằm phân chia, tranh giành quyền lực lẫn nhau. Đặc biệt, sau Cách mạng tháng Mười Nga, nghĩa là sau khi chính quyền của giai cấp vô sản ra đời, Đảng cộng sản nắm quyền lãnh đạo xã hội ở một số nước, một số người, chủ yếu là các học giả, các chính trị gia tư sản, những người đại diện cho giai cấp tư sản - giai cấp bị mất đi sự độc quyền thống trị xã hội lại rùm beng mạnh mẽ vấn đề đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Theo quan điểm của những người này, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập "sẽ tạo nên sự đa dạng, phong phú trong ý thức hệ tư tưởng" và "là nhân tố bảo đảm cho một nền dân chủ thực sự".
Phải chăng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập sẽ tạo nên "một nền dân chủ thực sự"?, về mặt hình thức, nhìn vào chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở một số nước thì có vẻ như "dân chủ thực sự", nhưng thực chất thì sao? Chúng ta không phủ nhận những yếu tố tích cực của đa nguyên, đa đảng nhưng thực chất đa nguyên, đa đảng không đồng nhất với dân chủ. Một đảng lãnh đạo không đồng nhất với độc tài lãnh đạo, khône đồng nhất với mất dân chủ. Không nhất thiết cứ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới có dân chủ thực sự và không có đa nguyên, đa đảng thì không có dân chủ.
Đa nguyên, đa đảng không phải là "yếu tố duy nhất, nền tảng duy nhất" đảm bảo được dân chủ đích thực mà bản chất của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Dân chủ là một giá trị xã hội, được hình thành và bảo đảm bởi nhiều yếu tố, trong đó có lực lượng cầm quyền xã hội, cơ chế quản lý xã hội và trình độ làm chủ của người dân... Theo Hồ Chí Minh: "dân chủ là dân làm chủ, dân là chủ". Vì vậy, bất cứ một xã hội nào, nhất nguyên hay đa nguyên, một đảng hay đa đảng nhưng nếu đảng cầm quyền và nhà nước quan tâm đến thể chế bảo đảm quyền lực thực tế của nhân dân, tôn trọng nhân dân, chăm lo cho nhân dân, coi nhân dân là gốc, là chủ thể của quyền lực... được thể hiện trong cương lĩnh, mục tiêu, chương trình hành động, thông qua hệ thống Hiến pháp và pháp luật... thì xã hội đó có dân chủ, người dân được làm chủ và là người chủ đất nước. Dân chủ là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài của nhân dân, là một bậc thang giá trị của nhân loại chứ dân chủ không phải là sản phẩm "của sự kêu gào" của một số phần tử trong xã hội. Đó cũng không phải là sản phẩm tự nhiên mà có và càng không thể hoàn thiện ngay một lúc. Nó phải trải qua quá trình đấu tranh, hoàn thiện và phát triển từng bước.
Thực tế cho thấy, hầu hết các nước tư bản đều thực hiện đa nguyên, đa đảng nhưng quyền dân chủ của nhân dân có được bảo đảm hay không, nhân dân có làm chủ thực sự vận mệnh của mình hay không lại là chuyện khác. Những cuộc lật đổ tranh giành quyền lực giữa các phe phái chính trị ở một số nước Châu Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungari, Rumani, Cộng hoà liên bang Đức,... của chế độ độc tài ở một số nước Châu Phi, Mỹ la tinh như Somali, Ethitopia, Bôlivia, Chilê..., ở một số nước khư vực Châu Á như Apghanistan, Pakistan, Miến Điện, Thái Lan... kéo dài gần suốt thế kỷ, làm cho hàng triệu người thiệt mạng, hàng chục triệu người bị nghèo đói... Phải chăng, đa nguyên, đa đảng đã mang lại lợi ích cho họ và mang lại "dân chủ thực sự" cho họ. Như vậy, có thể thấy, thực chất của đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập là sự phân chia, tranh giành quyền lực giữa các lực lượng chính trị xã hội; là một hình thức của cuộc đấu tranh giai cấp, cuộc đấu tranh giành và giữ chính quyền, kiểm soát xã hội. 
Thực chất của cái gọi là đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở một số nước không như một số người hiểu rằng đó là một chế độ thực sự dân chủ mà bản chất của nó vẫn là nhất nguyên chính trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét