Những năm qua, nhiều luồng văn
hoá khác nhau xâm nhập vào đời sống xã hội các dân tộc thiểu số, gây ảnh hưởng,
tác động mạnh đến văn hoá các dân tộc, nhiều giá trị văn hóa đặc sắc bị mai
một, thậm chí có dân tộc ngay cả tiếng nói, chữ viết, trang phục đang đứng
trước nguy cơ bị mất hẳn. Đặc biệt, đối với các dân
tộc rất ít người, việc sử dụng, vay mượn ngôn ngữ của dân tộc khác đang diễn ra
ở hầu hết cộng đồng. Một bộ phận lớn người dân, đặc biệt là lớp trẻ có xu hướng
ngày càng ít sử dụng tiếng mẹ đẻ, thay vào đó là sử dụng ngôn ngữ của dân tộc
Kinh hay các dân tộc khác trên địa bàn (tiếng H’mông, tiếng Tày, Nùng, Thái…).
Nhiều dân tộc thiểu số hiện nay không còn dùng tiếng mẹ đẻ như: Người Tu Dí ở
Lào Cai đã không còn nhớ tiếng mẹ đẻ và chuyển sang nói tiếng Quan Hỏa; người
Bố Y ở Hà Giang lại dùng tiếng Giáy và tiếng Tày; Người Pu Là đã chuyển sang sử
dụng tiếng Quan Hỏa. Việc không còn nói được tiếng mẹ đẻ cũng diễn ra với người
Cờ Lao đỏ, La Ha, Xinh Mun… Trong sinh hoạt văn hóa, các dân tộc như người
Mảng, Hà Nhì, người Pù Lá... đều có nhạc cụ cổ truyền đặc trưng riêng của mình,
nhưng ngày nay còn rất ít. Nhiều giá trị văn hóa, văn nghệ,
làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của từng dân tộc theo thời gian bị mai một
bởi văn hóa của các dân tộc khác hoặc bị thất truyền, lãng quên ở các cộng đồng
có số dân rất ít như Brâu, Rơ Măm, Ơ đu… Các nghề truyền thống như dệt vải, thổ cẩm, đan lát… còn rất ít
hoặc đã mất hẳn. Các lễ hội tiêu biểu, đặc sắc của các dân
tộc ngày càng ít được tổ chức và bị mai một dần. Cộng đồng các dân tộc rất ít
người tại các thôn, bản không còn lưu giữ được các lễ hội truyền thống của dân
tộc mình; ở nhiều nơi, các dân tộc rất ít người chịu ảnh hưởng bởi phong tục
tập quán, lễ hội của các dân tộc khác sống trên địa bàn.
Kiến trúc của
các dân tộc này cũng bị mai một nghiêm trọng. Người Kháng, La Ha, Xinh Mun,
Mảng đang bị người Thái chi phối về văn hóa vật chất. Do ảnh hưởng của người
Thái, kết hợp với ảnh hưởng của người Kinh, nên một số di sản văn hóa còn sót
lại của các dân tộc ít người đang tiếp tục bị bào mòn. Ngoài ra, ở vùng biên
giới Việt - Trung, yếu tố “Hán hóa” cũng thâm nhập vào các bản làng của người
Phù Lá, Bố Y, Cờ Lao, Pu Péo. Đồng thời, đồng bào ngày càng
ít sử dụng trang phục truyền thống, nhất là nam giới; chỉ có một số ít nữ giới
sử dụng trang phục truyền thống hàng ngày, số còn lại chuyển sang mặc theo
trang phục của các dân tộc có số dân đông trên địa bàn, hầu hết các hộ gia đình
chuyển sang sử dụng trang phục của người Kinh, nhất là lớp trẻ. Sự giao thoa,
đồng hoá về văn hoá đang diễn ra ngày càng sâu sắc trên các phương diện văn hóa
vật thể (nhà ở, ăn uống….) và phi vật thể (ngôn ngữ, trang phục, lễ hội…). Thậm
chí, có dân tộc (như người Ơ Đu) ít tìm được các nét văn hóa đặc trưng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét