Thứ Tư, 11 tháng 9, 2019

ĐẠI TƯỚNG LÊ TRỌNG TẤN - DŨNG TƯỚNG CỦA NHỮNG CHIẾN TRƯỜNG NÓNG BỎNG

Ngày 30 tháng 4 của 44 năm về trước chiếc xe tăng mang số hiệu 843 và 390 Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2, trực thuộc cánh quân phía Đông tiến vào dinh độc lập đánh dấu sự chấm hết cho chính quyền nguỵ Sài Gòn.
Hôm nay, tôi muốn đưa các bạn tới giai thoại của một vị tướng trận, vị tướng bất khả chiến bại có khả năng xoay chuyển cục diện trận đánh trăm trận trăm thắng, từng hai lần cầm quân bắt sống toàn bộ quân địch tại đầu não của chúng, vị tướng được ví như là thống soái Zhukov của Liên Bang Xô Viết, Đó chính là Đại tướng Lê Trọng Tấn, Vị dũng tướng của những chiến trường nóng bỏng.
Tên tuổi của ông gắn liền với tất cả những chiến trường khốc liệt nhất, luôn được Quân uỷ Trung ương giao nhiệm vụ chỉ huy những trận đánh có tầm vóc chiến lược để xoay chuyển cục diện trên chiến trường, tạo bàn đạp cho lợi thế về chính trị, từ Việt Bắc 1947, Sông Thao 1949, Biên Giới 1950, Trung Du 1951, Tây Bắc 1952, Thượng Lào 1953, Điện Biên Phủ 1954, cho đến Bình Giã Đồng Xoài, Ba Gia, Bàu Bàng - Dầu Tiếng, Mậu Thân, Đường 9 Nam Lào, chiến dịch Trị Thiên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chiến dịch Hồ Chí Minh, Chiến dịch phản công biên giới phía tây nam.... đều in đậm dấu ấn của vị tướng này.
Với quyết tâm cao độ giải phóng Miền Nam, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã giao cho tướng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh chiến dịch giải phóng Huế- Đà Nẵng sau khi giải phóng Tây Nguyên. Tháng 4-1975, tướng Lê Trọng Tấn được cử làm Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư lệnh cánh quân phía Đông gồm các Quân đoàn 2, Quân đoàn 4 và Sư đoàn 3 đập tan phòng tuyến từ xa tại Phan Rang (Ninh Thuận), đập nát cánh cửa thép tử thủ tại Xuân Lộc, trực diện tấn công vào cửa ngõ phía Đông giải phóng Sài Gòn.
Do phải vượt sông Đồng Nai, Sài Gòn với khoảng cách từ 15-20km với nhiều tuyến phòng thủ, kháng cự với hỏa lực cực mạnh của địch, Tướng Tấn đề nghị Quân ủy và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho cánh quân phía Đông nổ súng trước từ 18h ngày 29-4.
Cho đến trưa 30-4 sau khi trinh sát, đặc công tiêu diệt những ổ kháng cự cuối cùng tại cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn, Hàng Xanh, Thị Nghè đại quân phía Đông với Binh đoàn Tăng Thiết giáp, bộ binh đã tiến công thần tốc như vũ bão, húc đổ cánh cổng sắt Dinh Độc Lập giữa trưa ngày 30-4, bắt sống toàn bộ nội các Tổng thống Sài Gòn Dương Văn Minh, kết thúc cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Hòa bình, thống nhất đất nước nhưng ông chưa có một ngày nào để nghỉ ngơi. Sau thời kỳ quân quản của thành phố, biên giới Tây Nam của đất nước đã bị bọn diệt chủng Pol Pot và Khmer Đỏ xâm phạm biên giới, gây tội ác đối với nhân dân ta ở nhiều nơi. Tháng 12-1978, Tướng Lê Trọng Tấn được Trung ương giao nhiệm vụ chỉ huy các lực lượng vũ trang chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc.
Đến tháng 2-1979, ông tiếp tục được điều động về Bộ Tổng Tham mưu, trực tiếp chỉ huy cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Lúc sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết về ông như sau: "Với toàn quân, đồng chí Lê Trọng Tấn là một người chỉ huy kiên cường, lỗi lạc. Riêng tôi, đồng chí là người bạn chiến đấu thân thiết, là một trong những cán bộ tin cậy nhất để thực hiện những ý đồ chiến lược của Bộ thống soái tối cao".

2 nhận xét: