Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

KHÔNG THỂ BÁC BỎ VAI TRÒ CHỦ ĐẠO CỦA KINH TẾ NHÀ NƯỚC TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM

Phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong những nội dung cơ bản để giữ vững sự ổn định xã hội và phát triển kinh tế quốc gia. Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới ở nước ta đã minh chứng điều đó và bác bỏ mọi phủ nhận vai trò của thành phần kinh tế này.

Vài nét về thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều khu vực và thành phần kinh tế là sự kế thừa những ưu việt của kinh tế thị trường, phù hợp với đặc điểm và điều kiện cụ thể của Việt Nam. Động lực chung để phát triển mô hình kinh tế này là sự kết hợp hài hòa các lợi ích của cá nhân, tập thể và xã hội. Quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, những yếu tố, phương tiện và công cụ của kinh tế thị trường đã được khai thác, sử dụng, phát triển sáng tạo, phù hợp với mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Tính chất xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ngày càng được hình thành rõ nét hơn trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thành phần kinh tế nhà nước là một trong những công cụ giữ vai trò chủ đạo để Nhà nước điều tiết nền kinh tế quốc dân trên cả ba phương diện chính yếu của xã hội: kinh tế, chính trị và xã hội. Về mặt kinh tế, kinh tế nhà nước dựa trên chế độ sở hữu nhà nước về tư liệu sản xuất, phù hợp với xu hướng xã hội hóa của lực lượng sản xuất. Nó không chỉ là doanh nghiệp nhà nước, tổ chức hoạt động kinh doanh, mà còn bao hàm toàn bộ sức mạnh kinh tế đứng sau các chính sách và hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước; khả năng tổ chức và hoạch định chính sách của Nhà nước, là sự gắn kết hợp lý của hệ thống doanh nghiệp nhà nước, tài chính nhà nước, luật pháp và hiệu lực quản lý của Nhà nước. Với sức mạnh kinh tế tổng hợp đó, kinh tế nhà nước có khả năng tạo ra các điều kiện vật chất, các tiền đề kinh tế - xã hội để phát triển các thành phần kinh tế trong nền kinh tế quốc gia. Kinh tế nhà nước giữ vai trò then chốt, với tư cách là xương sống của nền kinh tế, nên nó có khả năng, điều kiện chi phối hoạt động của các thành phần kinh tế khác, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển theo chiến lược đã định. Về mặt chính trị, kinh tế nhà nước là kim chỉ nam để xem xét sự đúng hướng hay chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong tiến trình phát triển kinh tế. Bởi, Nhà nước ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước của những người lao động. Để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, cần thiết phải khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, ngày càng phát triển, trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Về mặt xã hội, do bản chất về sở hữu và mục đích hoạt động, nên kinh tế nhà nước gánh vác chức năng và vai trò xã hội to lớn. Đối với bộ phận phi doanh nghiệp (ngân sách, dự trữ quốc gia,...), đương nhiên bên cạnh chức năng kinh tế, chính trị, còn có trách nhiệm thực hiện chức năng xã hội. Đối với bộ phận doanh nghiệp trong thành phần kinh tế nhà nước, hoạt động theo nguyên tắc thị trường, đảm trách những vai trò xã hội to lớn. Điều này thể hiện ở chỗ, các doanh nghiệp phải đảm nhận những ngành, những lĩnh vực ở địa bàn khó khăn, có ý nghĩa chính trị - xã hội mà tư nhân không muốn đầu tư, thực hiện bảo đảm cân bằng về đầu tư phát triển vùng, miền, đảm nhận các ngành sản xuất hàng hóa công cộng thiết yếu.
Trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Đảng và Nhà nước thực hiện nhất quán chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, huy động được nhiều nguồn lực của mọi thành phần kinh tế vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, làm cho tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư trên GDP đều tăng nhanh. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển lâu dài. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường, điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển. Mặc dù hệ thống doanh nghiệp nhà nước do sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa nên số lượng giảm, lĩnh vực, địa bàn thu hẹp, nhưng vẫn có bước phát triển mạnh về quy mô tài sản, doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước, trở thành lực lượng nòng cốt trong ổn định, tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh, an ninh lương thực, năng lượng quốc gia; đội quân chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút FDI. Thực tiễn cho thấy, “nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động có hiệu quả, như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Tập đoàn Công nghiệp hóa chất, Tập đoàn Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn,… góp phần tăng trưởng GDP đạt 7,08% (năm 2018), cao nhất kể từ năm 2008; quy mô GDP tăng mạnh, đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng, bình quân đầu người đạt 2.587 USD/năm; khu vực nông nghiệp tăng 3,76%, cao nhất kể từ năm 2012; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 8,85%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh, đạt 12,98%, là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế; khu vực dịch vụ tăng 7,03%”1. Kết quả đó khẳng định việc lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn khách quan, hợp quy luật, phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, cũng là minh chứng khoa học để bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch hòng phủ nhận mô hình kinh tế này. Qua đó, giúp chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp đổi mới đất nước, kiên định mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2 nhận xét: