Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

GIAO QUYỀN LỰC CHO KẺ KHÔNG CÓ ĐẠO ĐỨC CHẲNG KHÁC NÀO THẢ THÚ HOANG VÀO XÃ HỘI

Thời gian qua, một loạt các vụ việc xử lý cán bộ cho thấy, yêu cầu về tu dưỡng rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên được đặt ra như một vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng nhằm góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong Đảng…
Qua các vụ việc kỷ luật cán bộ ở các cấp, có thể nhận thấy, vì thiếu rèn luyện đạo đức, khiếm khuyết về đạo đức, nhiều người đã bỏ qua tất cả những gì thiêng liêng nhất, bước qua tất cả những nguyên tắc rường cột nhất để mưu toan theo ý họ. Tham nhũng chính là là ăn cắp, là đạo chích. Có những người không có liêm sỉ, làm cả những việc táng tận lương tâm (ăn chặn, ăn đẽo cả những gì thuộc về nhân đạo, từ thiện), ăn trộm của công, moi móc quốc khố, tranh quyền đoạt vị hay nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh là đạo vị, tức là “lẻn vào quan trường” ăn trộm chức vụ, tệ hơn là đánh cắp lòng tin.
Điều nguy hại là những người vi phạm đạo đức không chỉ ở cấp thấp mà cả ở cấp cao, bất chấp nhân, lễ, liêm sỉ, có nguy cơ làm băng hoại đạo đức trong Đảng. Cổ nhân xưa có nói: Nhân, lễ, liêm, sỉ là 4 “sợi dây” làm nên một xã hội, đất nước; mất một dây thì nước nghiêng; mất 2 dây thì nước nguy; mất 3 dây thì nước sẽ đổ; mất 4 dây nước sẽ diệt. Mất một dây, nước nghiêng thì có thể kê lại cho ngay ngắn; nước nguy thì có thể cứu nguy được; nước đổ có thể dựng lại được nhưng nước diệt thì không thể cứu được.
Người xưa từng cho rằng, người không có liêm sỉ thì không khác gì muông thú. Nhiều người đã biến liêm sỉ thành thứ xa sỉ đối với họ. Nếu không thế làm sao họ có thể ăn cắp quốc khố, chà đạp lên dân, đi ngược lại đạo lý của dân tộc; nếu không thế làm sao họ dám ăn cắp được chức vụ, họ dùng đủ thứ để “lẻn” vào bộ máy quyền lực. Người Pháp có câu châm ngôn rất hay: Lúc bé có gan ăn trộm một quả táo, lớn lên sẽ có gan dắt trộm cả con bò! Hôm nay họ trộm được một đồng của nhân dân thì ngày mai họ có thể “cuỗm” cả ngân khố quốc gia.
Do vậy, vấn đề giáo dục, rèn luyện và kiểm soát đạo đức là công việc thường xuyên của chúng ta hay của bất cứ ai, ngay từ trong mỗi gia đình: cha kiểm soát con, người nọ giám sát người kia, lãnh đạo kiểm soát cấp dưới, cấp dưới giám sát cấp trên, người cao nhất phải trở thành một tấm gương đạo đức, có như thế dân mới ra dân, quan mới ra quan… Nếu không gia đình sẽ bại hoại, xã hội sẽ hỗn mang, phi đạo đức.

2 nhận xét: