Có thể nói, trong lịch sử nhân loại nói chung, lịch sử
Việt Nam nói riêng, hiếm có cuộc cách mạng xã hội nào lại đáp ứng cùng một lúc
ba nhu cầu lịch sử của một dân tộc như Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là:
(1). Đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành lại độc lập dân tộc. (2). Xóa bỏ
chế độ thuộc địa nửa phong kiến, giải phóng xã hội, xây dựng hệ thống chính trị
dân chủ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo từ trung ương đến cơ sở. (3). Xây dựng
Nhà nước với Hiến pháp, chế định quyền công dân và tôn trọng quyền con người
cho nhân dân Việt Nam.
Tại hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (ngày 13-8-1945), Trung ương Đảng đã nhận định: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi” và quyết định phải: “Kịp thời hành động, không để bỏ lỡ cơ hội”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ trong 15 ngày (từ ngày 16-8 đến ngày 02-9-1945), các lực lượng cách mạng đã lật đổ chính quyền thực dân và phong kiến tay sai, xây dựng hệ thống chính trị mới trong cả nước. Ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Theo đó, quyền công dân, quyền con người của nhân dân ta có sự thay đổi mang tính bước ngoặt lịch sử, từ thân phận nô lệ, lầm than đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Khác với các văn kiện lập quốc trong những thời kỳ lịch
sử trước đó, như: “Nam quốc sơn hà” (thế kỷ XI), “Bình Ngô đại cáo” (thế kỷ XV)
dựa trên truyền thống yêu nước của dân tộc, Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ
Chí Minh không chỉ kế tiếp trên truyền thống lịch sử của nhân dân Việt Nam mà
còn dựa trên tính chất của thời đại. Đó là, các dân tộc có quyền giành lại độc
lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời, có trách nhiệm bảo đảm
các quyền công dân và quyền con người. Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã dẫn lại bản Tuyên ngôn độc lập (năm 1776) của nước Mỹ, bản Tuyên
ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp (năm 1791) để “suy rộng ra”: “Tất
cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống,
quyền sung sướng và quyền tự do”. Ngay sau khi giành được chính quyền, theo quyết
định của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, một quy trình chính trị lập hiến, lập
pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng
ta lãnh đạo đã ngay lập tức được thực hiện. Ngày 01-01-1946, Chính phủ Liên hợp
lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Trong chính phủ Liên hợp
có nhiều nhân sĩ, trí thức, trong đó có cả một số người từng làm việc cho chính
quyền cũ (như Nguyễn Hải Thần, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Tố) cũng được mời tham
gia. Ngày 06-01-1946, tiến hành Tổng tuyển cử trong cả nước. Cuộc Tổng tuyển cử
theo nguyên tắc tự do, bình đẳng và bỏ phiếu kín - cho đến nay, đây vẫn là
nguyên tắc công bằng và hiện đại nhất của cộng đồng thế giới. Ngày 06-01-1946,
Quốc hội đầu tiên của nước ta ra đời. Công việc soạn thảo Hiến pháp được khẩn
trương triển khai, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp làm Trưởng Ban soạn thảo.
Ngày 09-11-1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam mới được công bố. Hiến
pháp năm 1946 là bản Hiến pháp hiện đại, không chỉ vào thời điểm ra đời mà cho
đến nay vẫn giữ nguyên tính chất mới mẻ về nhiều phương diện, kể cả kỹ thuật lập
pháp. Trong đó, không chỉ quy định các quyền công dân trên tất cả các lĩnh vực;
quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của người Việt Nam được ghi
nhận, mà còn nhiều quyền con người, kể cả quyền của người nước ngoài sống ở Việt
Nam cũng được Nhà nước ta bảo hộ.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chúng ta đã xây dựng
một Nhà nước dân chủ, pháp quyền trên nguyên tắc: mọi người đều bình đẳng trước
pháp luật. Có thể nói, hiếm có một cuộc cách mạng nào, đảng chính trị nào lại
có đủ niềm tin vào con đường cách mạng của mình, ý thức về vai trò của pháp quyền
và sự tôn trọng quyền của nhân dân như Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng không duy
trì lâu dài cơ quan khởi nghĩa do Đảng nắm toàn quyền, mà đã quyết định thiết lập
một chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền “của nhân dân, do
nhân dân, vì nhân dân” trong cả nước. Đảng ta chỉ giữ quyền lãnh đạo, không trực
tiếp quản lý nhà nước. Về đối ngoại, khi đó quân Đồng minh do Mỹ, Anh, Pháp cầm
đầu, sau khi đánh bại chủ nghĩa phát-xít, họ vẫn chủ trương duy trì và phân
chia lại thuộc địa cũ, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, thắng lợi nhanh chóng của
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự hoàn thiện của chế độ xã hội, Nhà nước ta,
đã khiến cho lực lượng Đồng minh, chủ yếu là Anh, Pháp, Mỹ có mặt ở Đông Dương
phải ngỡ ngàng, đành chấp nhận rút quân. Như vậy, chế độ xã hội mới, Nhà nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không phải
là thành tích “khai hóa” của “mẫu quốc”, cũng không phải là “tặng phẩm” của các
nước Đồng minh như với một số quốc gia, mà là thành quả từ cuộc vận động cách mạng
suốt 15 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 - 1945); đồng thời, là kết quả của
chiến lược, sách lược cách mạng đúng đắn, quyết đoán của Đảng ta và sự hy sinh
của chiến sĩ, đồng bào, đảng viên trong suốt quá trình cách mạng đầy khó khăn,
gian khổ để thay đổi vận mệnh của dân tộc. Dân tộc có được độc lập thì con người
mới có thể có tự do, hạnh phúc; không thể có được quyền con người, quyền công
dân khi quyền độc lập của dân tộc bị chà đạp. Đó cũng là tư tưởng, mục tiêu mà
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định với cả thế giới ngay khi nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hoà ra đời và đứng vào hàng ngũ tiên phong của các dân tộc đấu tranh
cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Bài viết rất hấp dẫn bạn đọc, xin cảm ơn
Trả lờiXóathắng lợi này thật vĩ đại
Trả lờiXóa