Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

NGUY CƠ MẤT AN NINH, AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG ĐE DỌA TỚI AN NINH QUỐC GIA

Việt Nam đang phụ thuộc vào thiết bị hạ tầng và hệ thống công nghệ mạng lõi do các công ty nước ngoài cung cấp và luôn thường trực nguy cơ bị nước ngoài kiểm soát, giám sát. Phần lớn hạ tầng công nghệ phần cứng của Việt Nam, từ các hạ tầng lõi cho đến các thiết bị cá nhân đều nhập từ nước ngoài, nhiều nhất là từ Trung Quốc và Mỹ. Các hãng bảo mật và cơ quan chức năng nhiều nước, trong đó có Việt Nam đã chứng minh và cảnh báo về các mã độc, “cửa hậu” được cài sẵn trong các thiết bị trước khi xuất xưởng, cho phép đối phương có thể truy cập, kiểm soát từ xa. Bên cạnh đó, nhiều trang thiết bị mạng sử dụng trong nước, gồm cả các trang thiết bị của các cơ quan, tổ chức nhà nước có xuất xứ nước ngoài. Ngoài ra, tình trạng thiếu nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, nhất là về an ninh, an toàn mạng cũng dẫn đến nguy cơ khó kiểm soát được các vấn đề an ninh, an toàn mạng. Đáng chú ý, nhận thức của một số cấp lãnh đạo, quản lý, ý thức và kỹ năng về an ninh, an toàn mạng của người sử dụng tại Việt Nam còn hạn chế, trong đó có cả cán bộ thuộc các bộ phận cơ mật, thiết yếu, nắm quyền quản trị các hệ thống quan trọng, liên quan đến nhiều bí mật nhà nước.

Thực tế cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển internet nhanh trong khu vực, nhưng tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém về an ninh, an toàn mạng. Hiện nay, khoảng 70% dân số Việt Nam sử dụng internet, 66% sử dụng mạng xã hội; 100% số cơ quan nhà nước có cổng thông tin điện tử, sử dụng mạng nội bộ LAN, Extranet, internet; sử dụng các kênh liên lạc trên không gian mạng để giao dịch. Theo các tổ chức an ninh mạng Kaspersky và Symantec, Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về nguy cơ bị nhiễm mã độc, phần mềm độc hại (qua USB, thẻ nhớ) với gần 70% người dùng máy tính có nguy cơ bị lây nhiễm cao; đứng thứ ba về số lượng người dùng di động bị mã độc tấn công nhiều nhất thế giới; đứng thứ 4 trên thế giới về nguy cơ bị nhiễm độc khi sử dụng Internet. Hệ quả là năm 2020 có tới hơn 73% số vụ lộ, lọt bí mật nhà nước xảy ra trên không gian mạng, tăng khoảng 3% so với năm 2019. 

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải nhận biết và đấu tranh mạnh mẽ chống lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam của bọn phản động và các thế lực thù địch

    Trả lờiXóa