Khi nói về cách tổ chức của
Liên đoàn những người cộng sản - chính đảng cách mạng đầu tiên của giai cấp
công nhân, Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Bản thân tổ chức cũng hoàn toàn dân chủ,
với những người lãnh đạo được bầu ra và luôn luôn có thể bị bãi miễn”. Sau
này, V.I.Lênin cũng nhấn mạnh, “chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa
chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa, và, mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô
chính phủ”. Điều đó cũng có nghĩa là, “không có gì sai lầm bằng việc lẫn lộn
chế độ tập trung dân chủ với chủ nghĩa quan liêu và với lối rập khuôn máy
móc”. Thực tế, lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng cho thấy,
là liên minh tự nguyện của những người cùng chung chí hướng, cùng đồng chí, đồng
lòng đấu tranh để xây dựng chủ nghĩa xã hội/một chế độ xã hội tự do, dân chủ,
công bằng vì con người và cho con người, tất yếu Đảng Cộng sản - bộ phận tiên
phong của giai cấp công nhân phải được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật và thống nhất,
sinh hoạt và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Đảng Cộng sản phải là
một tổ chức thống nhất về ý chí và hành động, không dung thứ sự tồn tại của các
phe nhóm, bè phái; lấy tự phê bình và phê bình làm quy luật phát triển của Đảng.
Trong tư tưởng Hồ Chí
Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ được hiểu giản dị là, "tập thể lãnh đạo
là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân
phụ trách, tức là dân chủ tập trung"; và theo đó, “lãnh đạo không tập
thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc.
Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết
quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn
đi đôi với nhau”. Cho nên, tập trung dân chủ là nguyên tắc rường cột chỉ đạo
toàn bộ, xuyên suốt quá trình xây dựng, tổ chức, sinh hoạt và hoạt động lãnh đạo
của một Đảng Cộng sản nói chung, Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng; đồng thời,
chi phối các nguyên tắc khác, để xây dựng Đảng thành một tổ chức thống nhất, chặt
chẽ, kỷ luật; bảo đảm Đảng luôn thống nhất trong tư tưởng và hành động chứ
không phải là một câu lạc bộ.
Thực tế cũng cho thấy, tập
trung dân chủ là một nguyên tắc căn bản (trong tổ chức và hoạt động) của Đảng,
để phân biệt một chính Đảng Mácxít Lêninnit với một đảng phái chính trị khác. Tập
trung và dân chủ là hai mặt không mâu thuẫn với nhau mà luôn thống nhất biện chứng,
không thể tách rời, vì tập trung không trên cơ sở dân chủ sẽ thành tập trung
quan liêu, độc tài; còn dân chủ đúng đắn phải dựa trên cơ sở tập trung, dân chủ
mà tách rời tập trung sẽ thành vô chính phủ. Tập trung được thực hiện trên cơ sở
dân chủ, hỗ trợ, bảo đảm để dân chủ được kiểm soát trong khuôn khổ, chứ không
phải là tập trung độc đoán, chuyên quyền. Tập trung là để toàn thể đảng viên tư
tưởng và hành động đều thống nhất, tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn
thổi ngược". Còn dân chủ được thực hiện và là bảo đảm của tập trung, giúp
cho tập trung được thực hiện linh hoạt, hiệu quả, để tránh dân chủ theo kiểu
tùy tiện, phân tán, vô tổ chức, hình thức. Dân chủ nghĩa là mọi cán bộ, đảng
viên đều có quyền tham gia vào việc quyết định công việc của Đảng (được bày tỏ
chính kiến, thông tin, thảo luận, tranh luận, bảo lưu ý kiến trong tổ chức) để
bàn bạc và đi đến thống nhất về quan điểm, chủ trương… không chỉ trong xây dựng
nghị quyết, đưa nghị quyết vào cuộc sống mà còn thể hiện rõ trong công tác lãnh
đạo, chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, khi tổ chức đảng đã có nghị quyết thì tất cả
đảng viên đều phải nói và làm theo nghị quyết.
Được xây dựng, tổ chức và
hoạt động theo nguyên tắc một Đảng Mácxít Lêninnit chân chính, Đảng Cộng sản Việt
Nam lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản; trong đó, thiểu số phục
tùng đa số (nội dung cốt lõi, đặc trưng của dân chủ trong Đảng), cấp dưới phục
tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức; các tổ chức đảng trong toàn Đảng phục
tùng Đại hội đại biểu toàn quốc, Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, Ban
Bí thư. Trên thực tế, xuất phát từ bản chất giai cấp công nhân của Đảng; từ yêu
cầu, nhiệm vụ lịch sử của Đảng; từ kinh nghiệm của các Đảng Cộng sản và công
nhân quốc tế, suốt quá trình xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam
luôn khẳng định và kiên trì thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ - coi đó là
nguyên tắc số một, bất di bất dịch. Trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn,
Đảng "luôn luôn nắm vững lãnh đạo tập thể là nguyên tắc lãnh đạo cao nhất
của Đảng, đồng thời kết hợp với phân công phụ trách. Đảng chống mọi hiện tượng
phân tán, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, tự do vô kỷ luật cũng như chống mọi hiện
tượng tập trung quan liêu, sự vụ, gia trưởng, độc đoán, coi thường tập thể, coi
thường cấp dưới” để thống nhất trong tư tưởng và hành động; để “Đảng ta
tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người” như Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã căn dặn.
Theo đó, các cấp ủy Đảng
từ Trung ương đến địa phương đều "thực hiện chế độ tập thể lãnh đạo đi đôi
với phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của cá nhân, nhất là trách
nhiệm của người đứng đầu”; đồng thời, luôn có cơ chế để nguyên tắc tập trung
dân chủ được thực hiện nghiêm trên tinh thần "thực hiện triệt để nguyên tắc
tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong cấp uỷ. Tạo mọi điều kiện cần thiết để
mỗi cấp uỷ viên có thể tham gia đầy đủ vào việc bàn bạc, quyết định các chủ
trương; định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cụ thể của từng người”,
nhằm "tránh lối cá nhân độc đoán chuyên quyền" hoặc "tránh lối ỷ
lại vào tập thể, sợ trách nhiệm" mà không dám quyết đoán khi cần phải ra
quyết định. Đồng thời, việc phát triển và mở rộng dân chủ trong Đảng luôn đi
đôi với tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Đảng và giữ
nghiêm kỷ cương, kỷ luật Đảng.
Dân chủ càng phát triển thì tập trung càng vững chắc, sức mạnh của Đảng càng được khẳng định và vì thế, nguyên tắc tập trung dân chủ cũng chính là biểu hiện của tính tiền phong, chiến đấu của Đảng. Vì thế, bất cứ quan điểm/luận điệu nào cho rằng tập trung và dân chủ là hai mặt đối lập; cho rằng, nếu thực hiện tập trung sẽ tất yếu dẫn đến thu hẹp dân chủ, triệt tiêu dân chủ và ngược lại, nếu muốn thực hiện dân chủ, ắt phải từ bỏ tập trung thì đều là trái với nguyên tắc tập trung dân chủ của chủ nghĩa Mác - Lênin, đều là phản động. Chính vì thế, việc xuyên tạc bản chất nguyên tắc tập trung dân chủ nói chung, việc cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ nói riêng là sự "chuyên quyền của một nhóm quyền lực trong Đảng" là một trong các thủ đoạn chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nhằm từng bước hạ thấp vị thế, uy tín, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và hệ thống chính trị như đã hiến định tại Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Dân chủ càng phát triển thì tập trung càng vững chắc, sức mạnh của Đảng càng được khẳng định và vì thế, nguyên tắc tập trung dân chủ cũng chính là biểu hiện của tính tiền phong, chiến đấu của Đảng.
Trả lờiXóa