Kiểm soát quyền lực chính
trị đương nhiên phải bằng cơ chế và tổ chức thực thi cơ chế. Cơ chế kiểm soát
quyền lực chính trị là hệ thống các thiết chế tổ chức thực hiện và phương thức
vận hành để kiểm soát quyền lực trong thể chế chính trị nhằm làm cho các quy định
về quyền và thực hiện quyền lực chính trị được thực hiện đầy đủ và đúng đắn. Nội
dung của kiểm soát quyền lực chính trị cũng chính là việc xây dựng cơ chế, thể
chế và thực thi cơ chế, thể chế đó trên thực tiễn.
Mặc dù được đề cập trong
các bài viết khác nhau, không có điều kiện để lý giải đầy đủ hệ thống các thiết
chế và phương thức vận hành để kiểm soát quyền lực trong thể chế chính trị
nhưng đồng chí Tổng Bí thư cũng đã tập trung đề cập khá đầy đủ. Đó là các cơ chế tự kiểm
soát quyền lực (đối với từng chủ thể), kiểm soát lẫn nhau và kiểm
soát của nhân dân đối với nhà nước; đề cập khá đầy đủ các chủ thể được
giao quyền lực chính trị và thực thi quyền lực chính trị:
Đối với Đảng, là lực
lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo
để Nhà nước thể chế hoá thành pháp luật nhưng khi đó có luật pháp, Đảng lại là
lực lượng tiên phong, gương mẫu trong thực hành pháp luật, hoạt động trong
khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết
định của mình. Đảng kiểm soát quyền lực của nội bộ Đảng (theo Điều lệ Đảng) đồng
thời kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng
viên trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ (theo pháp luật).
Lịch sử dân tộc hơn 92
năm qua đã minh chứng, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng
lợi của cách mạng Việt Nam. Với kinh nghiệm và quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng,
đồng chí Tổng Bí thư khẳng định:“Một đảng cách mạng chân chính có đường lối
đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu,
tận tuỵ, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức
mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi
lên”.
Đối với Nhà nước, với
vị trí trung tâm của quyền lực chính trị, Nhà nước được tổ chức quyền lực theo
nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm
soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư
pháp”.
Theo đó, Quốc hội thực
hiện giám sát tối cao việc tuân theo pháp luật, nghị quyết của Quốc hội. Hội đồng
nhân dân các cấp giám sát việc tuân theo pháp luật và nghị quyết của Hội đồng
nhân dân cùng cấp. Đồng chí Tổng Bí thư đề nghị Quốc hội: “Tiếp tục đổi mới, bổ
sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả
thi cao, rạo ra sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đổi mới,
nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề…
chú trọng giám sát lĩnh việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám
sát”.
Kiểm toán nhà nước kiểm
soát việc chấp hành pháp luật đối với cơ quan nhà nước về sử dụng tài chính,
tài sản công. Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức thanh tra,
kiểm tra, xử lý theo pháp luật. Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân
dân. Ngoài những yêu cầu về năng lực quản lý đất nước về mọi mặt của Chính
phủ để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội do Đại hội Đảng toàn
quốc lần thứ XIII đề ra, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh công tác xây dựng đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức: “Kiên quyết loại bỏ những phần tử hư hỏng,
thoái hoá về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chống mọi biểu hiện chạy chức,
chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn.
Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ
nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức”.
Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành viên của Mặt trận thực hiện giám sát và phản biện mang tính xã hội, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Nhân dân cũng giám sát Đảng, (Đảng chịu sự giám sát của Nhân dân - Hiến pháp), giám sát cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước, góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng có vai trò quan trọng trong giám sát việc thực thi pháp luật đối với cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước. Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên mà còn phải “Tiếp tục chú trọng tham gia sâu hơn, toàn diện, hiệu quả hơn và động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch”.
bài rất ý nghĩa
Trả lờiXóa